Báo cáo tại cuộc làm việc về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa gíao dục phổ thông thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, kết quả đạt được trong giai đoạn 2018 - 2020 cho thấy, tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) vào học giáo dục nghề nghiệp (GDNN) còn thấp, không đạt chỉ tiêu đặt ra của Đề án. Cụ thể, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp đạt 17.8%/30%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng đạt 18,34%/40%. Việc triển khai phân luồng còn gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến việc phối hợp giữa các bên, nhận thức của xã hội, chế độ chính sách, thông tin…
Một trong những mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp. Nêu vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nguyễn Thị Hà cũng cho biết, tuy vậy, hầu như mục tiêu định hướng nghề nghiệp còn rất mờ nhạt trong việc bảo đảm các điều kiện thực hiện về cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và kiểm tra đánh giá. Đại diện Bộ cũng đề xuất, liên quan đến nghề nghiệp, cần thiết có sự phối hợp với các cơ sở GDNN tổ chức các ngày hội tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh hoặc tổ chức hoạt động trải nghiệm. Nội dung giáo dục địa phương cần chú ý đến đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa, dân cư; được thiết kế theo hướng mở, linh hoạt, được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm, các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh…
Báo cáo, làm rõ những hạn chế, khó khăn trong việc đào tạo giáo viên dạy môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) cấp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, thời gian đào tạo dài, cơ hội việc làm và thu nhập đối với giáo viên dạy môn nghệ thuật không tương xứng với sự đầu tư ban đầu nên đã không có nhiều người lựa chọn theo học sư phạm âm nhạc.
Về công tác tuyển sinh, tuy nhu cầu xã hội hiện nay thiếu giáo viên ngành sư phạm mỹ thuật nhưng lượng thí sinh đăng ký thi vào ngành sư phạm mỹ thuật tăng không đáng kể. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ của Chính phủ cũng chưa thu hút nhiều sự quan tâm của sinh viên sư phạm, nguyên do là sinh viên không muốn sự ràng buộc về công việc sau khi ra trường mà môi trường làm việc, điều kiện phát triển năng lực không được biết trước… Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát các quy định liên quan, tăng cường kiểm tra đánh giá năng lực của các cơ sở đào tạo có đào tạo các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo; cần có tiêu chí cụ thể về điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện về đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mĩ thuật.
Đối với các ngành năng khiếu, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có điều chỉnh giảm về ngưỡng đầu vào để thí sinh có năng khiếu không bị vướng những ràng buộc về học lực và điểm trung bình các môn văn hóa. Cần nghiên cứu, rà soát tăng chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm mỹ thuật, Sư phạm âm nhạc cho các cơ sở đào tạo chuyên sâu lĩnh vực âm nhạc, mĩ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phục vụ nhu cầu số lượng và chất lượng giáo viên giảng dạy mỹ thuật tại các trường phổ thông.
Nghiên cứu rà soát, bổ sung các chính sách ưu đãi đối với đội ngũ giáo viên, trong đó có các giáo viên giảng dạy các môn nghệ thuật, khuyến khích người học học các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mĩ thuật đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Cũng tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục làm rõ thực trạng và đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp giáo dục, việc thực hiện yêu cầu đổi mới của Chương trình…
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Nghị quyết 29/NQ-TW của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đều nhấn mạnh mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. "Đổi mới này nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của đất nước ta. Phải đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, dụng cụ dạy và học đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới; phải bồi dưỡng đào tạo đội ngũ giáo viên đạt chuẩn ở các cấp học, từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông lên đại học, sau đại học... đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành giáo dục; huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong đó có nguồn lực từ xã hội hóa", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là nhiệm vụ lớn, có tính chất quan trọng nhưng được bắt đầu triển khai trong bối cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng sự nỗ lực, chủ động và sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục từ trung ương tới địa phương và cơ sở giáo dục, việc thực hiện đổi mới Chương trình đã có những kết quả bước đầu.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, đại diện các cơ quan, bộ, ngành để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, giải trình bổ sung gửi đến Đoàn giám sát trước khi Đoàn làm việc với Chính phủ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, các bộ, ngành cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp đồng bộ của hệ thống chính trị; rà soát các cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động của cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và toàn thể xã hội về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổ chức sơ kết đánh giá, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay trong triển khai thực hiện Nghị quyết.
Rà soát, đánh giá kỹ hơn nữa về cơ cấu, thực trạng, nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhất là khi Chương trình triển khai ở các khối lớp còn lại để đề xuất cơ chế, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… Cùng với đó, cần nghiên cứu đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách về tài chính bảo đảm đủ kinh phí triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thực hiện tốt chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn học sinh khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập…. Lồng ghép sử dụng có hiệu quả các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn huy động hợp pháp từ xã hội để tạo thêm nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo.