GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH VÀ CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ MỘT SỐ CÔNG TRÌNH QUAN TRỌNG QUỐC GIA
Quyết sách đúng đắn, kịp thời, có nhiều đổi mới, sáng tạo của Quốc hội
--------
Trước tình hình đất nước vô cùng khó khăn, phức tạp do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là một quyết sách đúng đắn, kịp thời, có nhiều đổi mới, sáng tạo. Nghị quyết cũng đã cho phép sử dụng một nguồn lực rất lớn, với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ.
Hiệu quả triển khai các chính sách chưa đồng đều
Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội, đại diện Chính phủ cho biết, việc xây dựng, ban hành và chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến Nghị quyết 43/2022/QH15 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương chủ động, khẩn trương triển khai nghiêm túc, đúng thẩm quyền, đưa chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, đúng đối tượng, tránh trục lợi.
Đồng thời, khi triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, thành phần kinh tế. Đặc biệt, thời điểm triển khai cũng là lúc đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nền kinh tế mở cửa trở lại; nguồn lực ngân sách nhà nước được bảo đảm, tạo điều kiện thực hiện các chính sách hỗ trợ. Việc thực hiện nhận được sự giám sát của Quốc hội và các cơ quan ngay khi bắt đầu triển khai, hạn chế tình trạng áp dụng chính sách không đúng đối tượng, hoặc trục lợi chính sách.
Với sự vào cuộc tích cực và đồng bộ của cả hệ thống chính trị như vậy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. GDP trong năm 2022 tăng 8,02%, năm 2023 tăng 5,05%. Thu ngân sách vượt dự toán, cân đối ngân sách được bảo đảm, thu ngân sách năm 2022 vượt 28,6% dự toán, năm 2023 vượt 8,12% dự toán. Nợ công trong nước ở mức an toàn, lạm phát được kiềm chế, tỷ giá cơ bản ổn định, lãi suất cho vay giảm. Các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp miễn, giảm giá, hạn chế vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ tốt cho đời sống của Nhân dân sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp…
Đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15, song Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Hoàng Anh cũng nhận thấy, trong các nhóm chính sách theo Nghị quyết 43/2022/QH15, bên cạnh nhiều chính sách đạt tiến độ giải ngân cao cũng có khoảng 1/3 số chính sách có mức độ giải ngân thấp, cá biệt có chính sách giải ngân chỉ đạt 2,75% tiến độ đề ra. Điều này cho thấy, hiệu quả triển khai giữa các chính sách không đồng đều, đòi hỏi Chính phủ phải có sự đánh giá sâu sắc hơn về năng lực dự báo, thiết kế và triển khai thi hành chính sách.
“Ở mỗi công đoạn đều có những điểm cần đánh giá sâu hơn để nhìn rõ bức tranh tổng thể cũng như nguyên nhân chủ quan. Điều này không chỉ phục vụ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, mà còn rút ra bài học kinh nghiệm cho quá trình ban hành và triển khai các chính sách trong thời gian tới”, Ủy viên Thường trực Lê Hoàng Anh nêu rõ.
Tiến độ chậm là điểm yếu lớn nhất
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15, như: việc ban hành một số văn bản hướng dẫn còn chậm so với yêu cầu; chưa dự báo được các khó khăn, vướng mắc trong triển khai, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách. Kết quả thực hiện và giải ngân một số chính sách còn thấp. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ ở một số nơi, một số chỗ, một số thời điểm còn chưa linh hoạt, thiếu chủ động, quyết liệt. Việc phân bổ và giải ngân nguồn vốn của Chương trình còn chậm, tạo áp lực lớn, nhất là trong kế hoạch năm 2023.
Tiến độ triển khai được nhiều thành viên Đoàn giám sát cho là "điểm yếu nhất" trong thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15. Trong đó, việc xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, có văn bản hướng dẫn còn gây bất cập, vướng mắc trong thời gian đầu thực hiện chính sách. Công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ với một số chính sách không sát, có chính sách thừa kinh phí trong khi có chính sách thiếu kinh phí.
“Nghị quyết mang tính cấp bách nhưng phải chăng chúng ta chưa có cơ chế phù hợp nên tiến độ triển khai thực hiện nhiều chính sách còn chậm? Nghị quyết thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, nhưng thực hiện lại theo quy trình, thủ tục bình thường, nên địa phương không thực hiện các công việc nhanh chóng được, chưa kể tâm lý sợ, ngại không dám làm đã khiến tiến độ và hiệu quả của nhiều chính sách chưa đạt như yêu cầu...” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nêu câu hỏi.
Qua theo dõi việc đề xuất các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực y tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan nhận thấy, do sự phối hợp giữa bộ quản lý ngành, lĩnh vực với các bộ liên quan và chính quyền địa phương trong việc đăng ký dự án, lập danh mục dự án còn hạn chế nên việc lập danh mục còn chưa sát thực tế. Do đó, khi đưa sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, thì nhiều dự án phải "trả về", cần sửa lại danh mục dự án, gây mất thời gian không cần thiết.
Giải trình với Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, từ kết quả triển khai đã được nêu cụ thể trong báo cáo của Chính phủ có thể khẳng định Nghị quyết 43/2022/QH15 là quyết sách đúng đắn, kịp thời và đã phát huy hiệu quả trong thực tế. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng triển khai quyết liệt, trong đó đáng chú ý nghị quyết ban hành ngày 11.1.2022, thì ngay trong tháng 1 Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; thành lập ban chỉ đạo; họp nhiều lần để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn…
Thừa nhận việc ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, triển khai một số chính sách hiệu quả chưa cao, theo Bộ trưởng, do việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị quyết 43/2022/QH15 diễn ra bối cảnh tình hình thực tế biến động rất nhanh, nên một số chính sách ngay khi đang xây dựng văn bản hướng dẫn đã thấy không cần thiết phải giải ngân do tình hình thay đổi liên tục.
“Cần thấy rõ tính đặc thù trong triển khai thi hành Nghị quyết 43/2022/QH15, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, cũng có những yếu tố khách quan có thể chia sẻ với các bộ, ngành. Từ đó, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa trong công tác xây dựng, ban hành và triển khai thi hành chính sách, pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Báo cáo về tiến độ giải ngân, Bộ trưởng cho biết, trong số 130,7 nghìn tỷ đồng vốn Chương trình bố trí cho các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thì hiện đã giao chi tiết 130,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 99,6% nguồn lực, trong đó bố trí khoảng 82,1 nghìn tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia, bổ sung nguồn lực lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các dự án giao thông trọng điểm, liên vùng. Đến ngày 31.1.2024, tổng vốn đầu tư của Chương trình đã giải ngân trong kế hoạch năm 2023 đạt 65% kế hoạch, và cũng không còn vướng mắc nào trong triển khai các dự án về đầu tư kết cấu hạ tầng.
Trước tình hình đất nước vô cùng khó khăn, phức tạp do đại dịch Covid - 19, việc ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 là một quyết sách đúng đắn, kịp thời, có nhiều đổi mới, sáng tạo. Khẳng định điều này tại cuộc làm việc với Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, chính sách được các tổ chức quốc tế, các chuyên gia và các nước trong khu vực đánh giá cao. Nghị quyết cho phép sử dụng một nguồn lực rất lớn với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.
Do vậy, cùng với việc ghi nhận sự khẩn trương, nghiêm túc và tập trung quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Chính phủ, các bộ, ngành cần chú ý đánh giá những khó khăn, bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai.
“Những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 cần được tổng kết, tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc ban hành và triển khai các chính sách, nhất là các chính sách ban hành trong tình hình đặc biệt để xử lý tình huống đặc biệt và cấp bách”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.