Những nỗ lực thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, đặc biệt là trong việc ứng cử làm đại biểu của nhân dân ngày càng được hoàn thiện và khẳng định mạnh mẽ bằng chính số lượng và chất lượng những nữ đại biểu khi tham chính. Để các nữ đại biểu tham chính, tỏa sáng trên nghị trường, ngoài nỗ lực của bản thân, nhất thiết phải có các giải pháp thiết thực “cởi trói” các quy định của hệ thống pháp luật đang được xem là rào cản hạn chế bước chân của phụ nữ vào nghị trường.
Trí tuệ và tâm huyết
Những năm qua, công tác cán bộ nữ nói chung và nữ đại biểu dân cử luôn được cơ quan các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo; chất lượng, số lượng nữ đại biểu dân cử từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động chính trị nói chung, Quốc hội và HĐND các cấp nói riêng.

Từ chỗ chỉ vỏn vẹn 10 nữ đại biểu ở khóa đầu tiên, chiếm 3%, đến Quốc hội khóa XIV, số lượng nữ đại biểu là 133 đại biểu, chiếm 26,72%, tăng so với hai khóa trước đó, cao hơn mức trung bình của thế giới (23,6%). Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Quốc hội khóa XV tiếp tục đánh dấu số lượng và chất lượng nữ đại biểu tăng lên, vượt chỉ tiêu đề ra với 151 đại biểu, chiếm tỷ lệ 30,26%.
Thực tiễn hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội qua các nhiệm kỳ gần đây đã khẳng định chất lượng tham chính của các nữ đại biểu ở một số lĩnh vực không thua kém nam đại biểu, đặc biệt là mặc dù tỷ lệ chiếm thiểu số nhưng số lượt tham gia các phiên thảo luận của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng gia tăng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, vào đầu nhiệm kỳ các đại biểu nữ thường có tâm lý e dè, ít phát biểu nhưng càng về sau, số lần phát biểu càng nhiều và sắc nét; đặc biệt là hàm lượng khoa học, chuyên môn trong các phát biểu của nữ giới trong những khóa Quốc hội gần đây.
Khóa Quốc hội nào cũng có những gương mặt nữ nổi trội, thảo luận sôi nổi, chất vấn thẳng thắn, giải quyết đến cùng sự việc. “Không tính nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước ta Nguyễn Thị Kim Ngân, nữ Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hay Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh hiện nay, cử tri dễ dàng nhớ tới những gương mặt nữ đại biểu quen thuộc qua các khóa bởi họ đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng cử tri. Điển hình như nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV - Trung tá Ksor H’Bơ Khăp được cử tri ví như bông hoa của đại ngàn Tây Nguyên. Tuy khóa này không tiếp tục làm đại biểu dân cử nhưng hình ảnh nữ đại biểu người Gia Rai khả ái với chất giọng rắn chắc vang vọng nghị trường Diên Hồng cử tri mọi miền chắc sẽ khó quên. Đặc biệt là cử tri Tây Nguyên như chúng tôi, đều rất tự hào với đại biểu mà mình đã tin tưởng gửi trọn niềm tin - cử tri Ksor H’Lun, Chư Păh, Gia Lai chia sẻ.
Theo dõi hoạt động của Quốc hội gần đây, tôi thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ đại biểu về thời gian dành cho các hoạt động với tư cách đại biểu Quốc hội, đặc biệt các nữ đại biểu Quốc hội khi thảo luận và chất vấn các vấn đề văn hóa, xã hội tỏ ra sắc nét hơn. Nữ đại biểu khóa XV có độ chín của tri thức và độ đằm của chính trị, rất trí tuệ, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: các nữ Đại biểu Quốc hội luôn tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, tài năng, tâm huyết của mình, xứng đáng là những phụ nữ ưu tú, đại biểu của nhân dân - cử tri Lê Vinh, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định bày tỏ.
Nếu như nữ đại biểu Quốc hội có tầm ảnh hưởng lớn, đóng vai trò dẫn dắt thì nữ đại biểu HĐND cũng có những nét riêng, chiều sâu trong tham chính, quyết định các vấn đề quan trọng tại địa phương. Cũng như nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu HĐND các cấp ngày càng tăng lên về số lượng cũng như chất lượng qua từng nhiệm kỳ. Qua từng năm, vai trò, vị trí của nữ đại biểu trong HĐND các cấp đã được khẳng định và có những đóng góp to lớn. Bản lĩnh chính trị, năng lực thực tiễn của nữ đại biểu HĐND ngày càng khẳng định với những sản phẩm cụ thể, những quyết sách được nữ đại biểu tham gia xây dựng và mang lại hiệu quả trong thực tiễn.
Sự tăng lên về số lượng, hoạt động ngày càng chất lượng của nữ đại biểu đã góp phần tích cực thúc đẩy bình đẳng giới. Qua đó, các ý kiến đóng góp của nữ đại biểu HĐND cũng đã góp phần tích cực cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao và phát huy trình độ, năng lực, vai trò của phụ nữ, bảo đảm để phụ nữ thực hiện tốt chức năng của mình và được tham gia đầy đủ, bình đẳng ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từng ngành, từng địa phương cụ thể. Xét vè góc độ giới, có thể khẳng định các nữ đại biểu đã phát huy rất tốt quyền lực “mềm” trong quá trình hoạt động của mình và thực tiễn đã mang lại hiệu quả.
Tiến tới xóa bỏ rào cản
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 xác định mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, trên lĩnh vực chính trị, Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030, đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Chiến lược không đưa ra một con số cụ thể về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và nữ đại biểu HĐND như giai đoạn 2011 - 2020. Điều này cho thấy đã có sự chuyển biến về mặt nhận thức đối với vấn đề tham chính.
Theo bà Nguyễn Thùy, đại biểu HĐND huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh: để bảo đảm bình đẳng giới thì không nên đưa ra một tỷ lệ nào cả; tuy nhiên, trong khi chúng ta đang còn nặng về định kiến giới thì việc có các chính sách ưu tiên cho nữ giới trong tham chính là điều cần thiết. Ngoài ra, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành vẫn còn nhiều quy định “bất bình đẳng” như quy định khác biệt giữa nam và nữ về độ tuổi nghỉ hưu, tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đã hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Vì vậy, ngoài tự hoàn thiện, rèn luyện năng lực, bản lĩnh và khẳng định bản thân thì để các nữ đại biểu tham chính, tỏa sáng trên nghị trường, nhất thiết phải có các giải pháp thiết thực “cởi trói” các quy định của hệ thống pháp luật đang được xem là rào cản hạn chế bước chân của phụ nữ vào nghị trường. Trong đó, một môi trường làm việc dân chủ, sự công bằng trong đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch cũng như đánh giá sẽ góp phần thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, đặc biệt là trong việc ứng cử làm đại biểu của nhân dân.