Bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án Luật
Tại Hội nghị cho ý kiến về một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV do Hội đồng Dân tộc tổ chức, các đại biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh là cấp thiết, nhằm phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, qua rà soát, cơ quan soạn thảo cần thống nhất quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật theo hướng bảo đảm chính sách dân tộc, bình đẳng giới, bảo đảm thích ứng, linh hoạt phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, để bảo đảm chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần bổ sung một khoản tại Điều 4 về chính sách của Nhà nước về y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để đồng bào được thụ hưởng đầy đủ quyền khám, chữa bệnh và hưởng các chính sách ưu tiên theo quy định.
Liên quan đến Điều 19 quy định về điều kiện cấp giấy phép hành nghề với lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền, các đại biểu chỉ ra rằng, hiện nay, những đối tượng này thường gặp khó khăn trong xác minh tính ứng dụng lâm sàng của bài thuốc gia truyền (bảo đảm ứng dụng thành công trên 2.000 người bệnh). Mặt khác, lệ phí để xin cấp phép cao, trong khi thu nhập của đối tượng này thường thấp, nên xảy ra hiện tượng “làm chui” rất nhiều.
Từ thực tế này, các đại biểu đề nghị nên hỗ trợ để lương y, người có bài thuốc gia truyền, hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền được thử nghiệm tại cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền trên địa bàn. Khuyến khích lương y trẻ vào học tại các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng trên địa bàn, tiến tới xóa bỏ chức danh lương y trong thực tế.
Cùng quan điểm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng, cần quy định chi tiết hơn việc thực hiện kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Quy định được sử dụng phương tiện kỹ thuật của y học hiện đại, hóa dược, dược liệu để khám chữa bệnh. Và chỉ người hành nghề có đủ điều kiện mới được kê đơn thuốc kết hợp cổ truyền với thuốc hóa dược và thuốc dược liệu. Không áp dụng kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại các cơ sở chẩn trị y học cổ truyền và tại cơ sở khám, chữa bệnh do người có bài thuốc gia truyền đứng đầu.
Tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh
Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần tiếp tục làm rõ khái niệm giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về quản lý giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Nghiên cứu quy định Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với những cơ sở y tế thực hiện đầy đủ cơ chế tự chủ và xã hội hóa trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở y tế tư nhân hoạt động hoàn toàn không theo mục tiêu lợi nhuận được thực hiện theo quy định của Luật Giá, nhưng cần có cơ chế kiểm soát giá.
Một số đại biểu đề nghị, bổ sung vai trò của Chính phủ, Bộ Y tế, HĐND cấp tỉnh trong việc quyết định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần bảo đảm công bằng để thúc đẩy cạnh tranh cải thiện chất lượng dịch vụ và kiểm soát nguy cơ tăng giá dịch vụ y tế giữa các cơ sở khám, chữa bệnh công, tư.
Liên quan đến quy định về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật thực hiện thay đổi về phân cấp chuyên môn; quy định, hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức thành 3 cấp gồm: cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu. Dự kiến cấp cơ bản gồm bệnh viện huyện, tỉnh; cấp chuyên sâu gồm các bệnh viện trung ương và một số bệnh viện ở tỉnh. Như vậy sẽ tạo thuận lợi cho chuyển tuyến.
Bệnh viện chuyên sâu có làm dịch vụ ban đầu và cơ bản hay không? Nêu câu hỏi này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Văn Tiên đề nghị, cần quy định rõ, bệnh viện cấp nào chỉ làm nhiệm vụ cấp đó - như vậy sẽ công bằng và phát huy vai trò của y tế cơ sở. Đơn cử, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chỉ điều trị chuyên sâu, không được nhận đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo bảo hiểm y tế.
Theo chương trình, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba khai mạc sáng nay, 23.5. Đây là một trong những dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến quyền, lợi ích sát sườn của người dân, thu hút được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và Nhân dân cả nước.