Trước đó, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Cụ thể, về danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” (Điều 66), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, đa số đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường đồng ý với Phương án 1 bổ sung đối tượng xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.
Trong đó một số đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “nghệ sĩ” để bảo đảm sự tường minh; đề nghị có đánh giá tác động việc mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu này để Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định, đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng bảo đảm không bỏ sót đối tượng, làm rõ thế nào là “tác phẩm xuất sắc, có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật và được công chúng yêu thích và đón nhận”; đối với nhà văn và kiến trúc sư, đề nghị nghiên cứu thêm cho phù hợp và tạo sự đồng thuận cao; bổ sung đối tượng “nhà điêu khắc, tạc tượng”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc rà soát để tiếp tục bổ sung người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật thuộc đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” là cần thiết, bảo đảm nguyên tắc “công bằng” trong khen thưởng. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, trong thời gian ngắn chưa thể đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ. Do đó, sau khi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, Cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan, tổ chức liên quan chỉ quy định trong Luật những vấn đề đã chín, đã kỹ, đã rõ nên đã chỉ đạo thiết kế khoản 1 Điều 66 gồm 2 điểm: điểm a kế thừa quy định các đối tượng của luật hiện hành đang được thực hiện ổn định và điểm b quy định nhóm đối tượng mới được bổ sung và giao Chính phủ quy định, như sau: “b) Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này do Chính phủ quy định”. Trên cơ sở tiêu chuẩn khung chung quy định tại khoản 2, khoản 3, Chính phủ sẽ quy định tiêu chuẩn chi tiết phù hợp với các đối tượng cụ thể.
Về hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (Điều 96), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị phân hạng để đảm bảo tính công bằng, không dàn đều; có ý kiến đề nghị cân nhắc từ “liên tục”; có ý kiến đề nghị giảm tiêu chuẩn thời gian tại ngũ của Thanh niên xung phong xuống dưới 2 năm, hoặc còn 1 năm; có ý kiến đề nghị giảm xuống dưới 2 năm đối với thanh niên xung phong là thương binh nặng; có ý kiến đề nghị không tính thời gian tại ngũ đối với thanh niên xung phong là thương binh.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” là hình thức khen thưởng dành cho lực lượng thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, cần được quy định tương quan với hình thức Huy chương Chiến sĩ vẻ vang để tặng cho lực lượng vũ trang nhân dân. Hơn nữa, các văn bản đề xuất của Hội cựu thanh niên xung phong Việt Nam gửi các cơ quan có thẩm quyền thể hiện nguyện vọng khen thưởng đồng loạt một hạng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho thanh niên xung phong có thời gian tại ngũ 2 năm trở lên.
Vì vậy, để đề cao ý nghĩa của hình thức khen thưởng nhà nước, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, rà soát các quy định khen thưởng Huân, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang thời kỳ kháng chiến, các hình thức khen thưởng kháng chiến khác, cũng như “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang” theo Luật Thi đua, khen thưởng, hình thức khen thưởng Thanh niên xung phong đã thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ xin phép Quốc hội cho giữ tiêu chuẩn như quy định tại khoản 2 Điều 96 của dự thảo Luật (sau khi đã tiếp thu ý kiến đại biểu, bỏ từ “liên tục”).