Dự thảo Luật Tòa án nhán dân (sửa đổi) gồm 151 điều, được bố cục thành 9 chương; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 7 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Dự thảo Luật sửa đổi giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều.
Dự thảo Luật kế thừa những quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 còn phù hợp; đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.
Trong đó tập trung khắc phục một số vướng mắc, bất cập và chưa hợp lý về những vấn đề, như: nhận thức về vị trí, vai trò của Tòa án và việc xác định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử của các Tòa án; tổ chức các đơn vị và nhân lực giúp việc Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao; việc phân chia các ngạch Thẩm phán; cơ chế pháp lý đầy đủ để xây dựng và triển khai Tòa án điện tử; cơ chế bảo vệ cho các Thẩm phán, Tòa án…
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung góp ý kiến vào một số nội dung chính, như: Phạm vi của dự thảo Luật; mối quan hệ giữa dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) với các đạo luật khác trong hệ thống pháp luật; quy định nội hàm quyền tư pháp; đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống TAND; nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ; giám sát hoạt động của Tòa án; Hội thẩm nhân dân; việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt; phương thức xét xử phiên tòa trực tuyến...
Các ý kiến góp ý vào dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) tại hội nghị sẽ được TAND tỉnh Quảng Ninh tổng hợp, gửi tới TAND tối cao; đồng thời phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV tới đây.