>> Cần phân biệt tuyên truyền, cổ động và quảng cáo
>> Dự thảo Luật Quảng cáo: Cần tham chiếu các luật
>> Luật Quảng cáo ra đời, hoạt động quảng cáo tốt hơn không ?
>> Quảng cáo cần tạo niềm tin và cảm xúc thật
|
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trong điều kiện kinh tế thị trường, cạnh tranh ngày càng gay gắt, quảng cáo không chỉ dừng ở chức năng vốn có là cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh, về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tới người tiêu dùng, mà nó đã được đẩy lên thành “nghệ thuật quảng cáo” để giành giật khách hàng và thị trường. Hơn thế nữa, nó còn bị lợi dụng, để từ một chức năng thông thường đã trở thành phương tiện lừa dối khách hàng và vì vậy, làm giảm, thậm chí trong một số trường hợp còn làm mất tác dụng của việc quảng cáo, gây thiệt hại không chỉ cho người mua, mà còn cho cả những tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trung thực khi nhiều người không còn tin vào quảng cáo và cuối cùng là thiệt hại chung cho cả xã hội.
Vấn đề bức xúc nhất hiện nay chính là nhiều quảng cáo không đúng sự thật, thậm chí mang tính lừa đảo, nhưng đáng tiếc là được quảng cáo trên những tờ báo lớn, những kênh phát thanh, truyền hình nhà nước, được người dân tin tưởng. Chính vì vậy, nhiều người nhẹ dạ đã mua phải hàng giả, hàng rởm, bị thiệt hại, như vụ quảng cáo về vòng titan có khả năng chống bức xạ, mệt mỏi; hay công ty Happy Shopping bán hàng nhập khẩu nhập lậu trên truyền hình; rồi quảng cáo du học mà theo Phó chủ nhiệm Uãy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Lê Văn Học, “90% thông tin không chính xác, thậm chí có tên trường còn viết sai”... Theo Luật Báo chí, chủ phương tiện truyền thông (đài, báo) phải kiểm duyệt và bảo đảm tính chính xác, trung thực của thông tin đăng tải trên phương tiện của mình. Tổng giám đốc TNS Media Việt Nam Trần Thị Thanh Mai cho biết, tại Anh, trong trường hợp vi phạm này, chủ quảng cáo (đơn vị quảng cáo sản phẩm) bị phạt nặng và phải làm thông báo xin lỗi công khai về những thông tin đã cung cấp sai và chủ phương tiện truyền thông phải phát thông báo này đúng bằng số lần đã phát quảng cáo sai trước đó.
Thực ra, quảng cáo lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch là một trong 8 hành vi bị cấm, trách nhiệm của bên thứ 3 đã được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; một số hành vi như quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, chỉ dẫn gây nhầm lẫn đã được quy định trong Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế hiện nay, công chúng đang bị nhiễu về quảng cáo, cũng như tính chất cạnh tranh ngày càng gay gắt trong kinh tế thị trường, hoạt động quảng cáo sẽ còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Quảng cáo cần quy định cụ thể hơn về những hành vi quảng cáo có ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng (công chúng); đồng thời, cần quy chiếu dưới góc độ Luật Quảng cáo để ghi đầy đủ các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo đối với quyền lợi người tiêu dùng; đề cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong việc đăng tải thông tin...
Dự thảo Luật Quảng cáo cũng dành một điều quy định về quyền của người tiếp nhận quảng cáo. Đó là: được cung cấp thông tin trung thực; phản ánh kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo; được bồi thường thiệt hại về vật chất do việc tiếp nhận các nội dung quảng cáo. Tuy nhiên, theo nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Minh Thuyết, cần phải chi tiết hóa các quy định trong điều khoản này. Như khi người dân muốn phản ánh hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thì phản ánh với ai, ở đâu? Quá trình người dân kiện đòi bồi thường diễn ra như thế nào? Người dân có thể ủy quyền cho Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN đại diện đứng ra kiện được không?... Ông Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, phải quy định trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Nếu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo không kiểm tra giấy tờ hợp lệ của người quảng cáo mà vẫn tư vấn quảng cáo với những lời lẽ không đúng sự thật thì họ phải chịu trách nhiệm liên đới. Nếu người kinh doanh quảng cáo thiết kế quảng cáo có những hình ảnh phản cảm, trái với truyền thống, thuần phong mỹ tục... thì họ cũng phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Rồi các đơn vị đăng tải những quảng cáo đó để đưa đến công chúng (các phương tiện truyền thông), khi xảy ra sai sót, trách nhiệm đến đâu? Thủ tục xử lý các trường hợp vi phạm như thế nào? Tất cả những điều này phải được quy định cụ thể, rõ ràng.