Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm.
Tham dự có: đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; các chuyên gia đến từ Viện Hải văn và Môi trường, Trường Đại học Thủy Lợi, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã báo cáo kết quả thực hiện các đề tài: “Nghiên cứu quá trình xói lở, bồi tụ dải bờ biển, cửa sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, có xét tới ảnh hưởng của các tác động từ thượng nguồn và đề xuất giải pháp ổn định”; “Xói lở bờ biển Bảo Ninh và định hướng nghiên cứu giải pháp khắc phục"; “Nghiên cứu một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng xói lở tại bãi biển Bảo Ninh, TP. Đồng Hới”.
Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, phân tích nguyên nhân và các giải pháp chống xói lở. Trong đó, tập trung vào vấn đề tái tạo lại bãi biển, từng bước hoàn thiện hệ thống công trình phòng, chống sạt lở dọc bờ biển Bảo Ninh, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo vệ trực tiếp khu dân cư các xã ven biển, khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng, đất nuôi trồng thủy sản, đất rừng phòng hộ ven biển, bảo đảm giữ vững nguồn sinh kế giúp người dân yên tâm sinh sống, sản xuất và phát triển dịch vụ du lịch biển, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm cũng đã cùng các chuyên gia kiểm tra thực tế tình hình sạt lở tại bãi biển Bảo Ninh, và cho biết những năm gần đây, tình trạng sạt lở bãi biển Bảo Ninh xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Nhiệm vụ trước mắt đặt ra là cần có giải pháp khắc phục tạm thời để hạn chế tình trạng sạt lở.
UBND tỉnh giao sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu lập dự án quan trắc, đánh giá tình hình sạt lở; tham khảo ý kiến của các chuyên gia đã trao đổi tại hội thảo, tham khảo các đơn vị, từ đó có phương án đề xuất UBND tỉnh triển khai thực hiện.
Trước đó, Báo Đại biểu Nhân dân đã thông tin về tình trạng xói lở nghiêm trọng bất thường diễn ra tại bãi biển này. Cụ thể, tình trạng xâm thực đã phá vỡ cảnh quan bãi biển, đường dạo bờ biển đến điểm sạt lở bãi cát chỉ còn khoảng 20m trong khi trước đây là 200m, vực xói lở hơn 5m, chiều dài xói lở trên 350m.