Những vụ lừa đảo mạng “tiền tỷ”
Trao đổi với PV, đại diện Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, trong 1 năm qua, Công an tỉnh Quảng Bình đã triệt phá nhiều chuyên án, đấu tranh thành công nhiều ổ, nhóm đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đáng nói, những vụ án lừa đảo qua mạng đều có giá trị tiền tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, với quy mô nhỏ và thủ đoạn đơn giản cho đến phức tạp trên quy mô xuyên quốc gia.
Theo đó, trong Quý I.2024, 4 đối tượng chuyên hack tài khoản mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã bị bắt. Tổng giao dịch trong tài khoản ngân hàng mà các đối tượng sử dụng là khoảng 8 tỷ đồng. Đáng lưu ý, nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao mới manh nha hình thành trên địa bàn còn thực hiện hành vi lan truyền, chia sẻ, chỉ dạy cách thức thực hiện hành vi tương tự cho một số thanh, thiếu niên trên địa bàn.
Nổi bật trong năm qua, vào tháng 7.2023, qua gần 1 năm theo dấu các đối tượng hoạt động lừa đảo xuyên biên giới do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các Cục Nghiệp vụ Bộ Công an, Công an các tỉnh phía Nam (Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh) phá thành công chuyên án liên quan đến 21 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng hình thức đầu tư tài chính qua sàn Forex do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, hoạt động tại địa bàn Campuchia. Đáng nói, tổng giao dịch trong các tài khoản ngân hàng mà các đối tượng sử dụng ước tính lên đến gần 2.000 tỷ đồng.
Để lừa đảo được số tiền trên, nhóm tội phạm xuyên quốc gia đã tổ chức khá chặt chẽ gồm 3 bộ phận chính: telesale (gọi điện chạy quảng cáo tìm khách hàng); chăm sóc khách hàng và hướng dẫn khách nạp tiền đầu tư, hướng dẫn khách chuyển tiền vào các số tài khoản ngân hàng Việt Nam do các đối tượng người Trung Quốc chỉ định.
Các đối tượng cấp dưới người Việt Nam tiếp tục giả danh các công ty tài chính, thực hiện các vai trò khác nhau, hỗ trợ và cuối cùng là chiếm đoạt tiền từ bị hại.
Đại tá Nguyễn Hữu Hợp, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đây là tổ chức tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, hoạt động có tổ chức, sử dụng công nghệ cao, có yếu tố nước ngoài và xuyên quốc gia. Tổ chức tội phạm này do nhóm đối tượng người Trung Quốc lập ra, cùng các đối tượng người Việt Nam giúp sức để tuyển dụng, quản lý, chỉ đạo hàng trăm nhân viên người Việt Nam làm việc tại Campuchia để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chủ yếu là người Việt.
Bên cạnh đó, những vụ lừa đảo khác trong thời gian qua sử dụng hành vi đơn giản hơn, tội phạm hoạt động đơn độc vẫn có thể lừa đảo số tiền lớn từ các nạn nhân trên khắp cả nước.
“Muôn hình vạn trạng” thủ đoạn trên mạng
Chỉ điểm sơ qua một số thủ đoạn, chiêu trò của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, đại diện Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã nêu hơn 10 hình thức phổ biến. Trong đó phải kể đến như: giả danh cơ quan chức năng gọi điện thông báo nạn nhân có các khoản phí, nợ chưa thanh toán, liên quan đến hoạt động tội phạm, gây sức ép để yêu cầu nạn nhân cài ứng dụng có chứa mã độc để kiểm soát thiết bị, thậm chí tài khoản ngân hàng của nạn nhân hoặc yêu cầu nạn nhân chuyển tiền; Hack, giả mạo tài khoản Facebook, Zalo của người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài từ đó nhắn tin đến người thân, bạn bè với lý do vay, mượn tiền; Giả mạo đầu số tin nhắn (Brand name) của ngân hàng, Bảo hiểm xã hội để phát tán tin nhắn có liên quan đến tài khoản ngân hàng, nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp, … kèm link giả mạo website ngân hàng ibanking để thu thập thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng; Kêu gọi đầu tư, kiếm tiền qua mạng…
Trả lời với cử tri về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Hữu Hợp cũng đã chỉ ra nhiều hành vi và thủ đoạn mới, đồng thời khẳng định các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng đang thay đổi theo từng ngày, diễn biến muôn hình vạn trạng, tạo thật giả lẫn lộn đánh lừa người dân.
Những kịch bản lừa đảo trên mạng được dựng ra để đánh vào lòng tham, lòng trắc ẩn, sự nể nang và thiếu hiểu biết về pháp luật, công nghệ thông tin của người dân, khiến cho người dân dễ dàng trở thành nạn nhân của hoạt động lừa đảo trực tuyến. Các đối tượng phạm tội thường sử dụng tài khoản mạng xã hội “ảo”, sim số “rác”, tổng đài “ảo”, máy chủ nước ngoài, sử dụng tài khoản ngân hàng được thuê, mua, không chính chủ để nhận tiền, luân chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau, hoặc mua tiền điện tử để che giấu dòng tiền phạm tội.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Hữu Hợp nhận định, hiện đang tồn tại 2 dạng tội phạm chính, một là tội phạm hoạt động trong nước, chủ yếu có tuổi đời rất trẻ, tự học hỏi phương thức, thủ đoạn trên không gian mạng, sau đó liên kết, tập hợp thành các nhóm để thực hiện hành vi phạm tội, phối hợp che giấu nguồn tiền thu lợi bất chính.
Nhóm này thường hình thành ở các địa bàn nóng về tội phạm công nghệ cao như Quảng Trị, Quảng Nam, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Quảng Bình cũng đã bắt đầu manh nha một số nhóm nhỏ lẻ.
Thứ hai, tội phạm là công dân Việt Nam, thực hiện hành vi lừa đảo đối với người Việt Nam trên không gian mạng, hoạt động tại các trụ sở ở nước ngoài như Campuchia, Thái Lan, Philippines… bị các đối tượng chủ mưu, cầm đầu người nước ngoài ép buộc, lôi kéo. Tội phạm dạng này được tập huấn, hướng dẫn một cách bài bản, hoạt động theo đường dây, ổ nhóm rất phức tạp.
Đặc biệt, một số đối tượng sau khi rời khỏi ổ, nhóm tội phạm người nước ngoài tiếp tục tạo lập các hội nhóm người Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến. Tại địa bàn tỉnh Quảng Bình đã phát hiện một số trường hợp bị lừa xuất khẩu lao động sang Campuchia, nhưng thực chất là bị lừa vào các ổ, nhóm tội phạm lừa đảo trực tuyến.
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” cảnh báo người dân
Trước diễn biến phức tạp tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Công an tỉnh Quảng Bình xác định triển khai đồng bộ các biện pháp nắm tình hình, chủ động triển khai các mặt công tác phòng ngừa, đấu tranh. Trong đó, phù hợp với điều kiện đặc thù của các địa bàn cũng như đối tượng người dân “nhẹ dạ, cả tin”, dễ bị lừa đảo, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị địa phương in tờ rơi, áp phích về các hành vi lừa đảo mạng thường thấy và phát tận nhà cho người dân.
Trong thời gian tới, lực lượng cũng sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý đối với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, internet; phối hợp các doanh nghiệp viễn thông đồng loạt gửi tin nhắn tuyên truyền các phương thức lừa đảo trực tuyến đến toàn bộ thuê bao di động của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Song song với đó, nhằm đi tắt đón đầu, phối hợp với Ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai việc nhận biết, phòng tránh giao dịch nghi ngờ lừa đảo, trực tiếp tại các phòng giao dịch và trựuc tuyến trên các ứng dụng Internet Banking của ngân hàng.
Đại diện Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết thêm, đơn vị có kế hoạch rà soát, lên danh sách và có biện pháp quản lý với các đối tượng, băng, nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao để tập trung lực lượng, biện pháp đấu tranh, triệt phá.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu cũng nhấn mạnh tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khoá XVIII vừa qua, đề nghị lực lượng công an tăng cường tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng để người dân đề cao cảnh giác, nhận biết, chủ động phòng tránh. Đồng thời, làm tốt công tác nắm tình hình, địa bàn và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để có biện pháp đấu tranh, triệt phá đối với các đối tượng, băng, nhóm tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
"Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm lừa đảo trên không gian mạng và công tác khởi tố, điều tra, xử lý đối tượng phạm tội, nhất là đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Đồng thời, phối hợp các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, công khai, lưu động một số vụ án điển hình được dư luận quan tâm để răn đe, phòng ngừa chung", Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu đề nghị.