Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Đinh Tiến Dũng đồng chủ trì cuộc làm việc.
Tham dự cuộc làm việc có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Cùng dự còn có: đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND, HĐND TP. Hà Nội; đại diện các sở, ban, ngành...
Báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thị Hà cho biết, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cụ thể hoá các nhiệm vụ Trung ương giao; phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện thống nhất trên toàn Thành phố về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí, đội ngũ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thành phố đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình bảo đảm đủ số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo quy định. Hằng năm, Thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng chuẩn giáo viên theo lộ trình, báo cáo UBND Thành phố phê duyệt. Năm 2022, Thành phố đã bố trí, cấp kinh phí thực hiện công tác bồi dưỡng cho gần 362.000 lượt cán bộ quản lý, giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống trường học, lớp học…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn Thành phố còn một số tồn tại, hạn chế như: quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố còn bất cập do tình trạng dân số cơ học tăng nhanh, phân bổ không đều; có sự chênh lệch giữa các vùng, các quận nội thành và huyện ngoại thành về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chất lượng, trình độ chuyên môn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
TP. Hà Nội kiến nghị, Quốc hội xem xét ban hành chính sách về chế độ đặc thù lương, phụ cấp đối với giáo viên và cán bộ quản lý, công chức công tác tại các cơ quan quản lý ngành giáo dục và đào tạo. Kiến nghị Chính phủ quan tâm đến chế độ, chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý. Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo tập huấn bồi dưỡng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, tập trung vào các nội dung như phương pháp dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học, kiểm tra đánh giá…
Đoàn giám sát ghi nhận một số kết quả ban đầu trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội trên địa bàn TP. Hà Nội, trong đó, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn về đổi mới giáo dục phổ thông đã được Đảng bộ, chính quyền Thành phố quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Thành phố ban hành hệ thống văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51, với 33 văn bản của Thành phố và 86 văn bản, kế hoạch, hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Nội dung chỉ đạo kịp thời, có trọng tâm, lộ trình và phân công tổ chức thực hiện; bảo đảm tính nhất quán, cơ bản phù hợp với điều kiện của địa phương…
Đoàn giám sát đề nghị, UBND TP. Hà Nội đánh giá sâu hơn về những bất cập của hệ thống văn bản từ Trung ương đến địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; cung cấp toàn bộ các văn bản triển khai, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông do HĐND, UBND, các Sở, ngành của Thành phố ban hành để Đoàn có căn cứ đánh giá tổng thể, toàn diện hơn.
Về nhân lực, chất lượng đội ngũ giáo viên, một số ý kiến đề nghị, cần làm rõ tình trạng “vừa thừa lại vừa thiếu giáo viên”; cơ chế huy động thêm lực lượng giáo viên trong bối cảnh thiếu giáo viên cục bộ ở địa phương; các giải pháp tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; việc bảo đảm số lượng đi đôi với chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn biểu dương những kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của TP. Hà Nội thời gian qua. Ghi nhận các kiến nghị của UBND TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu rõ, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp đầy đủ, trên cơ sở đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng, hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
Đối với những vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát nêu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, UBND Thành phố tiếp thu tối đa và hoàn thiện báo cáo bổ sung gửi Đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó, UBND Thành phố cần quan tâm chỉ đạo rà soát, đánh giá quy hoạch cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố để xem xét, điều chỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu người học, tăng cường đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục công lập, khuyến khích phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế. Nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên; rà soát, đánh giá thực trạng để bố trí giáo viên dạy các môn học mới phù hợp…
"Triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông không chỉ có trách nhiệm của ngành giáo dục mà cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và toàn dân". Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, UBND TP. Hà Nội tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo vượt qua những khó khăn để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình, đạt hiệu quả trong những năm học tới.
Tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và các ý kiến của thành viên Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, UBND TP. Hà Nội sẽ hoàn thiện báo cáo giám sát để gửi Đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất.