Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng.
Báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQP, AN và ĐVCN), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng cho biết, ngày 21.2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc, nghe Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo báo cáo về kết quả nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật để chuẩn bị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 31. Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan có liên quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.
Cụ thể, dự thảo Luật có 7 Chương, 81 Điều, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu, đã bổ sung mới 20 điều, bỏ 12 điều; bổ sung Mục 7 Chương II về Tổ hợp CNQP, bố cục các mục mới về phát triển CNQP, an ninh lưỡng dụng; ngân sách bảo đảm và dự trữ vật tư cho ĐVCN; chế độ chính sách đối với hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ CNQP, AN…
Dự thảo Luật có 8 nội dung lớn được tiếp thu, chỉnh lý, đó là: về áp dụng Luật; giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt (Điều 12) và giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt (Điều 13); về nguồn vốn cho phát triển CNQP, AN (Điều 16); phát triển CNQP, AN lưỡng dụng (Điều 14); Tổ hợp CNQP (Mục 7, chương II); về chuẩn bị và thực hành ĐVCN (Chương III); chế độ, chính sách trong CNQP, AN (Chương IV); hệ thống tổ chức CNQP, công nghiệp an ninh và trách nhiệm quản lý nhà nước.
Các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; cho rằng, dự thảo Luật đã nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của đại biểu Quốc hội, bám sát Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, cũng như qua kết quả khảo sát, tọa đàm, tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn để nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội; đồng thời, giải trình các ý kiến bảo đảm đầy đủ các căn cứ về chính trị, pháp lý và thực tiễn.
Các đại biểu đề nghị, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục nghiên cứu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 31 với chất lượng cao nhất.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận và đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo; đề nghị, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục rà soát, bổ sung các vấn đề trong dự thảo Luật, trước khi báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải có ý kiến của Chính phủ và các bộ, ngành. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án Luật khó nhưng không phải không làm được nếu như công tác chuẩn bị chặt chẽ, kỹ lưỡng.