Các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đồng chủ trì cuộc làm việc.
Tham dự có: Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân; Thường trực HĐND tỉnh Bình Định, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo HĐND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Định.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng, toàn diện cho việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp.
Đối với hoạt động giám sát của HĐND các cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 594 ngày 12.9.2022 về “Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu Hội đồng nhân dân”, cùng với nhiều nghị quyết, văn bản hướng dẫn khác, nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất, chuẩn hóa, lan tỏa sự đổi mới trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử từ Quốc hội tới HĐND các cấp.
Trước yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, Quốc hội đã nhất trí sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Trên cơ sở đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã được thông qua, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc mong muốn lắng nghe ý kiến thẳng thắn, sâu sắc, những đề xuất sửa đổi cụ thể của HĐND các cấp và các cơ quan liên quan ở địa phương để khắc phục được những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, góp phần xây dựng, hoàn thiện dự án Luật.
Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bình Định Đoàn Văn Phi cho biết, việc triển khai thực hiện các nội dung giám sát nhiệm kỳ 2021 - 2026đã có nhiều đổi mới; công tác giám sát được tăng cường, chất lượng giám sát được nâng lên.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Bình Định đã tổ chức 17 kỳ họp, trong đó có 7 kỳ họp thường lệ; 10 kỳ họp chuyên đề; tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành, tiến hành sơ kết 1 năm, 3 năm thực hiện các Nghị quyết, nhất là các nghị quyết về cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội...
Các báo cáo giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh đều được báo cáo trước HĐND tỉnh và ra nghị quyết yêu cầu UBND tỉnh thực hiện kiến nghị qua giám sát, báo cáo kết quả thực hiện vào kỳ họp sau. Nhờ vậy, hiệu quả công tác giám sát của HĐND tỉnh tại kỳ họp từng bước được nâng lên.
HĐND tỉnh đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 31 đồng chí giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu nhiệm kỳ 2021- 2026 theo đúng quy định. Kết quả, các chức danh thuộc diện lấy phiếu đều đạt được số phiếu tín nhiệm cao và “tín nhiệm” trên 50%. Không có người có quá nửa số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.
Để nâng cao chất lượng giám sát, ngay từ đầu nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về Chương trình giám sát toàn khóa, nội dung giám sát bao hàm trên tất cả các lĩnh vực.
Hằng năm, Thường trực HĐND tỉnh rà soát Chương trình giám sát toàn khóa kết hợp với khảo sát thực tế, lựa chọn những vấn đề nóng, bức xúc cử tri quan tâm trình HĐND tỉnh ban hành nội dung giám sát chuyên đề năm sau có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng giám sát chuyên đề ngày càng được nâng lên; các kiến nghị qua giám sát đều được UBND tỉnh và các cấp, các ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Thường trực HĐND tỉnh Bình Định cũng đã tổ chức thí điểm tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử cho các đại biểu là lãnh đạo tỉnh theo chuyên đề ở 8 huyện, thị xã, thành phố, qua đó chỉ đạo các cấp, các ngành giải quyết kịp thời những vấn đề tồn tại, hạn chế cử tri nêu, được cử tri đồng tình đánh giá cao...
Đối với giám sát của Thường trực HĐND các cấp, đã tổ chức khoảng 3.400 đoàn giám sát trên các lĩnh vực và gần 3.000 phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở cả 3 cấp; tổ chức 9 phiên họp chất vấn đối với UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh; đã tiếp gần 28.000 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận gần 8.000 ý kiến, kiến nghị, phản ánh của công dân; đã giải quyết được hơn 6.000 kiến nghị.
Giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri được Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các Tổ phân loại, đánh giá theo 4 mức: Trả lời giải quyết đúng trọng tâm, đạt yêu cầu đáp ứng nguyện vọng cử tri; Trả lời rõ, nhưng chưa giải quyết dứt điểm cần có thời gian; Trả lời chung chung, không rõ, không đúng trọng tâm; Trả lời tiếp thu ghi nhận kiến nghị nhưng chưa thể giải quyết cần có thời gian vì liên quan đến nguồn lực.
Bên cạnh đó, theo HĐND tỉnh Bình Định, việc triển khai thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể,hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND từ tỉnh đến cơ sở còn hạn chế,nhiều đại biểu còn ngại va chạm nên chưa thật sự mạnh dạn trong chất vấn.
Việc giám sát các văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp ban hành và nghị quyết của HĐND cấp dưới để phát hiện dấu hiệu trái pháp luật của Thường trực HĐND, các ban từ tỉnh đến cơ sở còn hạn chế. Thực tế việc phát hiện văn bản trái pháp luật hoặc chưa đúng, chủ yếu qua kiểm toán, qua kiểm tra của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp.
Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh còn hạn chế, chưa thật sự chủ động trong việc lựa chọn nội dung giám sát, chủ yếu giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri. Hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề còn ít. Việc theo dõi, đôn đốc cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát chưa được thường xuyên...
Để phát huy vai trò của HĐND tỉnh trong hoạt động thời gian tới, HĐND tỉnh Bình Định đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy chế mẫu về hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND và Tổ đại biểu HĐND để thống nhất thực hiện trên phạm vi cả nước; hướng dẫn cụ thể về mời chuyên gia tư vấn (trong đó nêu rõ quy định tiêu chuẩn, kinh phí chi trả) tham gia các Đoàn giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và các ban HĐND tỉnh; ban hành quy định cụ thể các chế độ, định mức chi cho công tác phục vụ hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND các cấp và các tổ chức, cá nhân phục vụ hoạt động của HĐND các cấp nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước…
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ hơn các vướng mắc trong tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của HĐND địa phương, trao đổi cụ thể về các kiến nghị của HĐND tỉnh Bình Định liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cảm ơn các đại biểu đã đóng góp ý kiến khá toàn diện, cụ thể, rõ ràng, có trách nhiệm, nêu rõ căn cứ đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Báo cáo của tỉnh cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục sát với thực tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật chuyên ngành. Đây cũng là dự luật đầu tiên được giao cho một cơ quan của Quốc hội chủ trì soạn thảo kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo tập trung xây dựng dự án luật mẫu mực về chất lượng, phương pháp, cách làm và về tinh thần trách nhiệm.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn khảo sát xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tổng hợp đầy đủ các ý kiến tham gia tại cuộc làm việc với HĐND tỉnh Bình Định, tập trung nghiên cứu với tinh thần thật sự cầu thị, bám sát 5 chính sách xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng có liên quan, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi, tính ổn định cao.
Với những nội dung còn vướng mắc hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau được nêu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục cùng trao đổi, làm rõ thêm nhằm tạo sự thống nhất cao, trao đổi, tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, làm rõ thêm về các giải pháp trước mắt và lâu dài để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử địa phương.