Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Dương Văn An; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng.
Tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông đã báo cáo với cử tri về dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ Năm sẽ khai mạc vào ngày 22.5 và dự kiến bế mạc vào 23.6 tới. Tại Kỳ họp này, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội và chia thành 2 đợt để xem xét thông qua 8 dự án Luật, 2 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 8 dự án luật; xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác…
Nhiều cử tri huyện đảo Phú Quý đã phản ánh, kiến nghị liên quan đến quy định lắp các thiết bị giám sát hành trình phục vụ đánh bắt xa bờ; chế độ thanh toán tiền hỗ trợ bà con ngư dân hàng năm; bất cập khi trên địa bàn huyện chưa có nhà hỏa táng.
Các ý kiến khác cũng kiến nghị về xây dựng kè chống sạt lở bảo vệ bờ biển ở phía bắc của huyện đảo. Hàng năm vào mùa mưa bão, huyện luôn phải chịu ảnh hưởng nặng nề của sóng và nước biển dâng cao; 3 xã ven biển đang phải đối mặt với nguy cơ sạt lở cao do các đợt triều cường, đe dọa tính mạng, tài sản, sinh kế của người dân trên đảo. Hiện, đảo Phú Quý đã được đầu tư xây dựng công trình kè, hệ thống đê phía Tây, Nam và phát huy hiệu quả rất tích cực; kè phía Bắc chưa xây dựng được do khó khăn về kinh phí, cần bố trí nguồn vốn.
Cử tri huyện đảo Phú Quý đánh giá cao Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đã chuyển tải đầy đủ, kịp thời tâm tư, nguyện vọng và các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Quốc hội. Đồng thời, mong muốn những chính sách được sửa đổi, ban hành tại Kỳ họp thứ Năm tới sẽ sớm vào cuộc sống, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thông tin tới cử tri về hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri đều là những vấn đề cấp bách, thiết yếu của huyện; tỉnh Bình Thuận và huyện đảo Phú Quý cần khẩn trương xây dựng, rà soát, hoàn thiện hồ sơ, văn bản theo quy định.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn và cân đối nguồn lực, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Bình Thuận quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên đảo, ưu tiên bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư xây dựng công trình kè phía Bắc đảo, các hồ chứa nước ngọt nằm trong quy hoạch; đầu tư xây dựng hạ tầng, sớm đưa Phú Quý trở thành một trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển trong khu vực và góp phần nâng cao năng lực phòng thủ cho đảo tiền tiêu.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã ân cần thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo trên huyện đảo; bà con ngư dân, lao động biển; học bổng cho học sinh.
+ Tiếp đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã làm việc với UBND huyện đảo Phú Quý về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trọng tâm là phát triển kinh tế biển và năng lượng tại huyện đảo.
Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đại diện UBND huyện Phú Quý cho biết, năm 2022 thu ngân sách địa phương đạt 53 tỷ đồng, tăng 6,22% so với cùng kỳ. Hiện, huyện có 1.560 chiếc tàu thuyền. Sản lượng khai thác hải sản năm 2202 đạt 35.201 tấn, đạt 117,33% so với kế hoạch năm so với cùng kỳ. Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp duy trì ổn định; hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch sôi động. Giao thông vận tải đường biển duy trì hoạt động ổn định, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, du khách và vận chuyển hàng hóa. Hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản hoàn chỉnh; hệ thống các công trình hạ tầng thủy sản được quan tâm đầu tư; cảng biển được nâng cấp, mở rộng…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ, UBND huyện, quân và dân trên đảo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng. Đồng thời, biểu dương thành tích phát triển kinh tế - xã hội gắn với giữ vững vai trò trọng yếu trong quốc phòng - an ninh của đất nước; thành tích trong phát triển ngành hải sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, hệ thống điện trên đảo Phú Quý không ngừng được phát triển, nguồn điện trên huyện đảo được cung cấp từ máy phát điện diesel vận hành hỗn hợp cùng với hệ thống điện gió và năng lượng mặt trời, là một trong những dự án hiện đại của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân trên đảo, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng. Hệ thống bồn chứa nhiên liệu, lượng dầu dự trữ cũng đủ đáp ứng phát điện khoảng 1 tháng trong trường hợp thời tiết trên đảo biến động. Đây là cố gắng lớn của ngành điện và của huyện đảo.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đảo Phú Quý là đảo tiền tiêu, có vị trí trọng yếu trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo của cả nước ở Biển Đông. Do đó, lãnh đạo huyện đảo Phú Quý cần tăng cường thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng dân sinh, kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ kết nối giữa đảo với đất liền, mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống điện, nước, các thiết chế, cơ sở vật chất lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội... Trao đổi, học tập kinh nghiệm và liên kết với các huyện đảo như Cô Tô, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc trong việc xây dựng mô hình chính quyền một cấp, quản lý phát triển kinh tế biển, đánh bắt, nuôi trồng hải sản, phát triển du lịch, bảo tồn và giao lưu văn hóa...
Thời gian tới, huyện cần tập trung rà soát và đề xuất quy hoạch vùng nuôi phù hợp; sắp xếp lại khu vực nuôi và mở rộng diện tích nuôi trên biển, tạo điều kiện cho mô hình nuôi kết hợp với dịch vụ lồng bè phát triển. Chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật nuôi và phòng trừ dịch, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nuôi đặc trưng để khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của địa phương. Thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, huyện cần tập trung vận động, kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Phú Quý, các công trình hạ tầng thương mại theo quy hoạch được phê duyệt nhằm thu hút đầu tư mới và di dời các cơ sở chế biến trong khu dân cư vào cụm công nghiệp tập trung, phát triển bảo quản, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá... Cùng với đó, các lực lượng chức năng cần quan tâm quản lý sát sao việc tiếp nhiên liệu cho các tàu, thuyền; bảo đảm công tác hậu cần, dịch vụ nghề cá, phân ca trực sẵn sàng hỗ trợ tàu, thuyền ra, vào bến, cảng cá; sắp xếp các phương tiện vận chuyển hàng hóa trật tự, bảo đảm việc lưu thông thuận lợi, thực sự đồng hành, trở thành “điểm tựa” vững chắc để bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, hỗ trợ ngư dân hoạt động nghề cá an toàn, đúng pháp luật.
Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ huyện ủy Cô Tô (Quảng Ninh) và Ban Thường vụ huyện ủy Phú Quý đã ký kết chương trình phối hợp.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã tặng quà cho Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Phú Quý và các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn.
+ Trước đó, sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng Đoàn công tác đã viếng, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ tại Bia ghi danh liệt sĩ đảo Phú Quý; thăm 2 gia đình chính sách và Bệnh viện Quân dân y, Điện lực Phú Quý; khảo sát vị trí dự kiến xây dựng kè chống xói lở bảo vệ bờ biển phía Bắc đảo Phú Quý.