Tham gia cuộc làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường; các Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần…
Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách được giao chủ trì giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và dự án Luật Giá (sửa đổi); tham gia phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là phối hợp với Ủy ban Kinh tế tiếp thu, giải trình các nội dung liên quan đến cơ chế tài chính, ngân sách của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng sẽ chủ động nghiên cứu, tổ chức khảo sát, làm việc với các cơ quan liên quan, tổ chức các hội thảo, tọa đàm để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số bất cập, tồn tại gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân tại các luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách. Chủ trì thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh - dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Năm tới. Chủ trì thẩm tra báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm theo Nghị quyết số 22/2021.QH15 và báo cáo lộ trình hoàn thiện Báo cáo tài chính nhà nước.
Đối với các hoạt động liên quan đến ngân sách, bên cạnh thực hiện các nội dung theo thông lệ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ thẩm tra báo cáo đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia, vay và trả nợ công và nhiều nội dung khác theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Về giám sát, trong năm 2023, Ủy ban tiếp tục chủ trì tham mưu, phục vụ chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Tiến hành giám sát, khảo sát về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2022, triển khai dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023; thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2022; thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Ủy ban cũng sẽ chú trọng hoạt động giám sát chuyên đề, tổ chức giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện các luật thuộc những lĩnh vực có liên quan; tăng cường giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị của các chuyên đề giám sát, nhất là Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội các vấn đề về lĩnh vực tài chính, ngân sách...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và đánh giá cao việc Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã hoàn thành khối lượng công việc lớn trong năm 2022 với chất lượng tốt, một số đổi mới đã mang lại những hiệu quả cụ thể. Trong đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách là lực lượng nòng cốt tham mưu, giúp việc cho Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 xây dựng báo cáo kết quả giám sát cụ thể, có tính phản biện cao, đưa danh sách cụ thể những công trình, dự án đầu tư lãng phí ở các địa phương.
Cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách Nhà nước cần đi vào chi tiết, nói rõ quan điểm; báo cáo về lập dự toán ngân sách Nhà nước phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, nâng cao tính phản biện, chủ động nắm bắt thông tin ngay từ khâu lập dự toán của các bộ, ban ngành.
Nêu thực tế thời gian quyết toán ngân sách Nhà nước hiện vẫn kéo dài đến 18 tháng là còn chậm, không giúp ích nhiều cho việc lập dự toán ngân sách hàng năm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần chuẩn bị từ sớm, từ xa đối với việc thẩm tra báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm theo Nghị quyết số 22/2021/QH15 và báo cáo lộ trình hoàn thiện Báo cáo tài chính nhà nước. "Đây là nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ Khóa XV của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cần sớm tổ chức hội thảo, hội nghị về nội dung này”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Về giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Tiểu ban cần tổ chức Đoàn giám sát làm việc với một số địa phương về lập dự toán ngân sách, thực hiện dự toán ngân sách, đầu tư công... Đối với việc giám sát ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần phân công cụ thể cho từng Tiểu ban tiến hành chủ động giám sát trong lĩnh vực theo dõi, hoặc lựa chọn một chủ để nổi lên trong năm để tiến hành, bảo đảm hàng năm đều có báo cáo kết quả giám sát về nội dung này.
Tại cuộc làm việc, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, đến nay Chính phủ chưa trình bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi các luật về thuế là quá chậm. Do vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần tiếp tục phối hợp, đôn đốc các cơ quan liên quan của Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất.
Một số ý kiến đề nghị cần giám sát thường xuyên tại các địa phương về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm, xây dựng dự toán thu ngân sách năm sau, nhằm bảo đảm bám sát khả năng thu thực tế của địa phương. Trong giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật chú trọng tiến hành đối với các văn bản hướng dẫn liên quan đến thực hiện tự chủ tài chính, quản lý tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công.