Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng đoàn giám sát dự và chủ trì cuộc làm việc.
Cùng dự và chủ trì có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát, và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh; các thành viên Đoàn giám sát, đại diện các bộ, ngành có liên quan...
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, triển khai Kế hoạch thực hiện giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, Đoàn giám sát đang triển khai làm việc với các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Nam.
Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều dự án về năng lượng, trong đó đặc biệt có những dự án điện khí trọng điểm của ngành điện lực. Với đặc thù này, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy đề nghị, các thành viên Đoàn giám sát tập trung làm rõ các vấn đề cần trao đổi, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương; nghiên cứu kỹ báo cáo, đánh giá thẳng thắn, công tâm, khách quan về các đánh giá, kiến nghị của Quảng Nam về phát triển năng lượng. Qua đó, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.
Tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát tập trung trao đổi, phân tích, đánh giá về 5 nhóm vấn đề gồm: việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai; đánh giá quy hoạch và phương án phát triển năng lượng đã được tính hợp vào quy hoạch của tỉnh; quản lý, vận hành các nhà máy thủy điện; việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất với các công trình phục vụ phát triển năng lượng trên địa bàn; điều tra, khảo sát, thăm dò tài nguyên dầu khí.
Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy mong muốn, các ý kiến phát biểu cần tập trung làm rõ kết quả thực hiện, vướng mắc, tồn tại, đưa ra các kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; giải pháp để tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển năng lượng.
Trình bày Báo cáo của tỉnh Quảng Nam, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đặng Bá Dự cho biết, sau các đợt rà soát, trên địa bàn Quảng Nam hiện có 40 dự án thủy điện có trong quy hoạch với tổng công suất thiết kế 1.775,26 MW. Đến nay, có 29/40 công trình thủy điện trong quy hoạch đã vận hành phát triện, điện lượng trung bình năm theo thiết kế khoảng 5.503,63 triệu kWh.
Các dự án thủy điện trên địa bàn đều thực hiện đầy đủ, bảo đảm quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng và đã hoàn thành công tác trồng rừng thay thế. Đối với các loại hình nhà máy điện khác, trên địa bàn hiện có một Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn, song các nhà máy điện khí hay dự án điện sinh khối đã được cấp phép đầu tư đều chưa triển khai xây dựng. Quảng Nam hiện cũng chưa có quy hoạch và phát triển các nguồn năng lượng điện mặt trời, gió, địa nhiệt, địa sóng.
Về bảo đảm an ninh năng lượng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho biết, tổng sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện trên địa bàn cả năm 2022 đạt 7,35 tỷ kWh, đạt 139,98% so với cùng kỳ năm 2021. Giai đoạn 2016 - 2021, các nhà máy điện trên địa bàn đã cung cấp cho hệ thống điện quốc gia được 24,90 tỷ kWh, dự kiến đến năm 2025 tổng công suất nguồn điện trên địa bàn sẽ là 1.985MW, trong đó có 30 MW từ điện than.
“Như vậy, thời gian qua và dự báo nhu cầu về phụ tải trong tương lai, các dự án nguồn điện trên địa bàn không những bảo đảm cung cấp năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn mà còn cung cấp thêm nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia”, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho biết.
Theo Báo cáo của tỉnh Quảng Nam, sau khi Quy hoạch điện quốc gia VIII được phê duyệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, cập nhật, bổ sung các nội dung liên quan để hoàn thiện phương án phát triển điện lực trong quy hoạch tỉnh phù hợp với Quy hoạch này cũng như yêu cầu thực tế và dự báo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với việc đầu tư phát triển các loại hình điện, các chủ đầu tư cũng đã tổ chức, hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế cho người dân, bước đầu có hiệu quả.
Tuy nhiên, theo Báo cáo của tỉnh Quảng Nam, tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg đã quy định cụ thể quy trình, định kỳ thực hiện gửi bản tin dự báo lũ, nội dung bản tin, trong đó yêu cầu phải xác định thời gian xuất hiện đỉnh lũ. Song, thực trạng số lượng trạm quan trắc đo mưa trên các hồ chứa thủy điện còn thưa, công tác dự báo lũ về hồ còn chưa kịp thời. Đối với giải quyết sinh kế cho người dân, tuy đạt nhiều kết quả tích cực, song việc huy động các nguồn lực nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển sinh kế người dân tại lưu vực các hồ chứa thủy điện còn gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam cũng nêu rõ, quy hoạch các nguồn điện nhỏ, lưới đấu nối và truyền tải cấp điện từ 110kV trở xuống sau khi Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt khi cần điều chỉnh phải trình Bộ thẩm định, phê duyệt bổ sung, gây mất thời gian, ảnh hưởng đến cơ hội thu hút đầu tư, không đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị, Chính phủ sớm ban hành quy định về bàn giao, tiếp nhận tài sản các công trình điện để có cơ sở triển khai thực hiện, bảo đảm cung cấp điện.
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao UBND tỉnh Quảng Nam đã tích cực chuẩn bị báo cáo chi tiết, bám sát đề cương gửi Đoàn giám sát, có những kiến nghị, đề xuất xác đáng, cụ thể về vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, Quảng Nam đã tích cực xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phát triển năng lượng thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh; đạt nhiều kết quả tích cực trong triển khai chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.
Các thành viên Đoàn giám sát cũng quan tâm đến khả năng bảo đảm cung cầu năng lượng trên địa bàn; tình trạng chậm trễ đối với 3 dự án nhiệt điện miền Trung và dự án Cá Voi Xanh; chú ý đến việc gom, xử lý những tấm pin mặt trời đã hư hỏng… Một số ý kiến đề nghị, UBND tỉnh báo cáo thêm về nhận định “hoạt động kiểm tra, thanh tra giám sát của các cơ quan kiểm tra trên địa bàn còn thiếu tính thống nhất, chồng chéo và gây khó khăn cho doanh nghiệp” tại Báo cáo về nội dung này.
Tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã báo cáo, làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát quan tâm, trong đó có những vướng mắc, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khẳng định, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch để thực hiện Nghị quyết này. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh có Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Đoàn giám sát đề nghị Quảng Nam rà soát, hoàn thiện báo cáo trên cơ sở ý kiến của thành viên Đoàn giám sát, làm rõ các chính sách, pháp luật cụ thể đang vướng mắc trong thực hiện, trong đó chú ý, nêu rõ đến từng điều khoản trong các luật, nghị định, thông tư; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện đầu tư dự án phát triển năng lượng; bổ sung các mô hình bảo đảm sinh kế cho người dân.
Ghi nhận các kiến nghị của Quảng Nam trong triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho rằng, Bộ Công thương cần đẩy nhanh kế hoạch triển khai xây dựng Quy hoạch điện VIII, tránh tiếp tục xin lùi thời gian hoàn thiện, trình ký ban hành văn bản hướng dẫn, vì điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đối với hai dự án Nhà máy thiết bị điện khí miền Trung I và II, các bộ, ngành liên quan cần thực hiện đúng kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại thông báo của Văn phòng Chính phủ tháng 6.2023.
+ Trước đó, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khảo sát thực tế tại Cảng Kỳ Hà, địa điểm tiếp bờ và làm việc với đại diện lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Quảng Nam và Ban Quản lý Cảng…
Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Quảng Nam đề nghị, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao UBND tỉnh Quảng Nam quản lý, sử dụng, khai thác và nâng cấp tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải Bến số 2, Khu bến Kỳ Hà để kịp thời phục vụ chuỗi dự án Khí - điện Cá Voi Xanh.
Đại diện lãnh đạo Sở Công thương tỉnh và Ban Quản lý Cảng Kỳ Hà cũng báo cáo về một số vướng mắc trong thực hiện hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện thủ tục hồ sơ thuê đất phục vụ các dự án Cảng Kỳ Hà, dự án nhà máy thiết bị điện khí; giải phóng mặt bằng phục vụ chuỗi dự án Khí - điện Cá Voi Xanh…