Nâng cao vị thế của người phụ nữ
Theo kết quả điều tra khảo sát nghiên cứu xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành (DDCI) năm 2019 mới đây của tỉnh Lào Cai, Thị xã Sa Pa đã có một sự thăng tiến vượt bậc từ 64,85 điểm(2017) lên 75,30 điểm(2019). Đây là chỉ số đo lường về các vấn đề: Bình đẳng giới, kinh doanh đối với phụ nữ, doanh nhân nữ, các vấn đề về môi trường, sinh thái trong quá trình phát triển, người dân tộc thiểu số, những đối tượng yếu thế... Điều đáng nói, vượt khỏi cách tiếp cận truyền thống, DDCI Lào Cai đã khuyến khích chính quyền địa phương quan tâm đúng mức và có hành động cụ thể để bảo đảm hài hòa các vấn đề về bình đẳng giới, xã hội, môi trường.
Dự án GREAT - Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại hai tỉnh Lào Cai và Sơn La - được Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ với tổng kinh phí 33,7 triệu đô la Úc (tương đương khoảng 600 tỉ đồng Việt Nam) nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và nâng quyền kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam. Thông qua hợp tác với 50 đối tác đến từ khối doanh nghiệp, nhà nước và phi chính phủ, trong đó có các đối tác tại Sa Pa như Phòng Văn hóa Thông tin Sa Pa, Công ty Thổ cẩm Lan Rừng, Hợp tác xã Mai Anh và Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ, GREAT được kì vọng giúp tăng thu nhập cho hơn 40.000 phụ nữ và nâng cao sự tự tin cũng như khả năng ra quyết định trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
Giám đốc Hợp tác xã Du lịch Cộng đồng xã Tả Phìn Lý Tả Mẩy cho biết, được sự tư vấn, hỗ trợ của Phòng Văn hóa thông tin Sa Pa và sự đồng lòng của các thành viên, chị em đã thành lập hội nhóm về nhuộm vải, dệt vải thổ cẩm, làm du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng (homestay). Thông qua các khóa tập huấn nâng cao kỹ năng và chất lượng sản phẩm thiết kế dựa trên kỹ thuật thêu may truyền thống, các sản phẩm của Hợp tác xã được du khách ưa chuộng. “Sản phẩm chúng tôi làm ra không đủ cung cấp cho thị trường, do vậy đời sống được nâng cao, kinh tế cũng ổn định hơn, gia đình hạnh phúc hơn”- chị Lý Tả Mẩy chia sẻ.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường Hoa kiêm Trưởng nhóm trồng lanh thôn Tả Van Sùng Thị Thu cho biết, cuộc sống của chị em thôn Tả Van gắn với cây lanh từ nhỏ. Trước đây, việc trồng cây lanh lấy tơ chỉ để phục vụ nhu cầu dệt vải may áo cho gia đình, nhà ai thừa đất thì trồng xen canh với ngô, năng suất cũng không cao và cũng không giúp ích gì nhiều. Nhưng nay, được Hội Phụ nữ thị xã phối hợp với Công ty Thổ cẩm Lan Rừng tổ chức tập huấn kỹ năng nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua chuỗi liên kết phát triển cây lanh, năng suất được tăng lên, do vậy thu nhập của mọi người cao hơn.
Thực hiện tốt trách nhiệm xã hội
Với tư cách là một hợp tác xã kinh doanh và phát triển kinh tế dựa trên sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng là rau trái vụ của Sa Pa, Giám đốc Hợp tác xã Mai Anh Bùi Trọng Trung luôn đau đáu trong lòng việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con ở chính nơi mình lập nghiệp và sinh sống. Dự án trồng rau chất lượng cao của HTX Mai Anh được triển khai trong 30 tháng và tiếp tục duy trì trong các năm tiếp theo. Mục tiêu tạo ra sản lượng khoảng 9.600 tấn rau, củ, quả các loại, trong đó, Hợp tác xã Mai Anh dự kiến thu mua 80% sản lượng, tương đương 7.728 tấn. Để phát triển và mở rộng vùng sản xuất rau an toàn với diện tích tập trung, cũng như bảo đảm chất lượng, sản phẩm, các thành viên sẽ liên kết để hình thành 16 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý đồng ruộng theo Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Thông qua các biện pháp như thành lập tổ sản xuất, cải thiện chất lượng vườn ươm và tăng cường kết nối với thị trường bán lẻ, hiện nay dự án đã đạt được một số kết quả ban đầu như đã ký kết thành công hợp đồng cung cấp rau an toàn cho chuỗi siêu thị Big C tại Hà Nội. Anh Trung cho biết, Dự án không chỉ góp phần tăng sản lượng và chất lượng rau xanh, mà còn giúp phụ nữ Sa Pa có việc làm, tăng thu nhập, tăng sự tự tin và khả năng lãnh đạo tổ, nhóm sản xuất.
Cũng giống như anh Trung, Giám đốc Hợp tác xã Cộng đồng Dao Đỏ Tẩn Tả Mẩy cũng là một trong những tấm gương về việc đấu tranh và thúc đẩy bình đẳng giới. Là chủ một hợp tác xã với doanh thu trên 3 tỷ đồng mỗi năm từ việc bán các sản phẩm từ bài thuốc của người Dao đỏ (nước tắm, tinh dầu, rượu xoa bóp, nước tắm bà bầu sau sinh...) và cung cấp dịch vụ tắm lá thảo dược Dao đỏ, chị Mẩy đã giúp đỡ được rất nhiều phụ nữ dân tộc có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Mẩy cho biết, thông qua cơ hội hợp tác với dự án GREAT- Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ tích cực kết nối với Vườn Quốc gia Hoàng Liên để mở rộng vùng nguyên liệu, đồng thời phát triển một trung tâm sản xuất giống cây dược liệu với diện tích 4 ha.
Từ việc mở rộng dịch vụ và vùng nguyên liệu chị Mẩy đã giúp tăng thu nhập cho 165 phụ nữ và tạo 70 công ăn việc làm. “Thấy chị em phụ nữ vất vả quá, sáng đi làm nương, tối về làm việc nhà, phục vụ chồng con mà không có tiếng nói gì, tôi thương lắm. Tôi muốn phát triển những giá trị truyền thống của Sa Pa, không chỉ để tăng thu nhập cho bản thân mà còn giúp đỡ các chị em trong xã và để góp phần phát triển du lịch của địa phương mình”, chị Mẩy chia sẻ.
Tư duy, cách làm của Giám đốc Bùi Trọng Trung hay Tẩn tả Mẩy cho thấy điểm chung là họ đều gắn lợi ích của mình với lợi ích của người dân bản địa. Cùng với đó, việc làm tốt trách nhiệm xã hội của họ đã góp một phần không nhỏ vào quá trình thúc đẩy bình đẳng giới ở khu vực thị xã Sa Pa; giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, khẳng định được vị thế xã hội của mình.