Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cà phê đứng thứ hai cả nước, chỉ sau Đăk Lăk. Trong khi cà phê Đăk Lăk đã có một vài thương hiệu cà phê nổi tiếng thì Lâm Đồng vẫn chưa có thương hiệu cà phê cho mình. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hoàng Sĩ Sơn cho biết, để xây dựng thương hiệu cà phê, Lâm Đồng phải cùng lúc thực hiện nhiều biện pháp như ổn định diện tích, nâng cao năng suất và chất lượng cây cà phê. Về diện tích, ổn định ở mức khoảng 120 nghìn ha (hiện là 118 nghìn ha), trong đó chú trọng 2 loại cà phê Arabica (giống catimo) và Rôbuta, tại các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Lạc Dương và TP Đà Lạt. Còn các huyện phía Nam do đất nhiều chua phèn, sẽ không phát triển cây cà phê. Để nâng cao năng suất, sẽ chú trọng việc tận dụng và xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ để có nước tưới cho cây cà phê. Điều quan trọng nhất là việc chọn giống tốt và phát triển cà phê ghép chồi. Đồng thời tỉnh sẽ triển khai mạnh công tác khuyến nông và từ cấp xã trở lên đều có chính sách khuyến khích phát triển cây cà phê. Lâm Đồng cũng nhận thức được rằng việc vận động người trồng cà phê thu hoạch đúng mùa vụ, hái quả chín là không đơn giản. Tỉnh chủ trương đẩy mạnh việc tuyên truyền, đồng thời tăng cường bảo đảm an ninh nông thôn để chống việc lấy trộm cà phê, khuyến khích bà con trồng giống cà phê Catimo cho quả chín muộn bằng việc hỗ trợ một nửa tiền giống, trợ giúp xây dựng các sân phơi cà phê...
Để làm được việc này, đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn. Ở Lâm Đồng đã có một số doanh nghiệp cho nông dân vay vốn không lấy lãi để trồng cà phê. UBND tỉnh sớm công bố định hướng phát triển cây cà phê và việc xây dựng thương hiệu cà phê Lâm Đồng, để các ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp căn cứ vào đó cho dân vay vốn nhưng điều khó nhất là ai đứng ra vay? Việc cho vay tín chấp do Hội Nông dân, phụ nữ... thực hiện cũng có hạn. Do vậy, Lâm Đồng chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp đứng ra vay vốn ngân hàng để cho người trồng cà phê vay.
Trong trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ ở Lâm Đồng và Đăk Lăk đều băn khoăn về một mô hình quản lý nhà nước đối với ngành cà phê. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Lăk Trịnh Đức Minh cho rằng, cần phải tổ chức lại ngành cà phê trên địa bàn từng tỉnh và cả nước. Mỗi tỉnh cần có một Tổng công ty cà phê. Cả nước cần có một cơ quan quản lý, cấp cục hoặc tổng cục lo việc phát triển cà phê Việt Nam; Tổ chức các doanh nghiệp cà phê thành một tập đoàn mạnh, lo việc sản xuất- kinh doanh, trong đó nhất thiết phải có sự tham gia của các ngân hàng. Vì nếu không sẽ không có đủ nguồn vốn để giúp người dân trồng cà phê và có thể tích trữ cà phê để chủ động cho sản xuất. Mấy năm qua, Đăk Lăk đã xây dựng sàn giao dịch cà phê, nhưng đó mới chỉ là cái vỏ, cần phải xây dựng hoàn chỉnh hơn.
So với Lâm Đồng, Đăk Lăk đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng thương hiệu cho cà phê. Trong đó đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho cà phê Buôn Ma Thuột và năm 2005 đã được nhà nước bảo hộ. Tuy nhiên, các chỉ dẫn này mới chỉ nêu ra các đặc thù của cà phê Buôn Ma Thuột. Còn bước quản lý và phát triển thì chưa ai làm. Vậy tổ chức nào đứng ra làm và thực hiện việc quản lý bởi Hiệp hội cà phê chỉ thực hiện cơ chế kiểm soát nội bộ, còn ngành nông nghiệp thì mới chỉ kiểm soát bên ngoài. Cũng như ở Lâm Đồng, cái khó trong xây dựng thương hiệu cà phê ở Đăk Lăk còn là nguồn vốn để xây dựng bản đồ, đào tạo con người... Tất cả những điều này đòi hỏi sự vào cuộc rất tích cực của các cơ quan chức năng. Ở cơ sở, người trồng cà phê phải liên kết lại trong các mô hình hợp tác. Các ngân hàng, các tổ chức quốc tế cũng muốn thông qua các mô hình này để đầu tư giúp người trồng cà phê xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho ngành cà phê. Phó viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên Lê Ngọc Báu nêu vấn đề: Ở ấn Độ có Cục cà phê, có Viện cà phê. Ở Indonesia cũng có một cơ quan quản lý tương tự. Tại sao ở Việt Nam, với diện tích và sản lượng cà phê lớn như vậy, cho đến nay vẫn chưa có một cơ quan quản lý tương xứng? Cả một vùng cà phê Việt Nam chỉ có 3ha vườn nhân chồi- lấy đâu cho đủ giống tốt để cung cấp cho người dân? Nhà nước nên xây dựng những vườn giống cà phê quốc gia. Để tránh hiện tượng tranh mua tranh bán, chống doanh nghiệp nước ngoài ép giá, cần có một quỹ để mua cà phê cho dân.
Đòi hỏi về một tập đoàn kinh tế mạnh và sự vào cuộc tích cực về mặt quản lý nhà nước để cây cà phê phát triển, đang là một đòi hỏi bức xúc hiện nay.
Trương Cộng Hòa