Tết Nguyên đán: “hệ giá trị văn hóa” đậm đà bản sắc dân tộc
- Tết đến, Xuân về mang lại cho mỗi người một cảm xúc khác nhau. Người hoài niệm về Tết xưa, người háo hức với những điều mới lạ mà Tết hiện đại mang lại... theo ông, tại sao Tết lại được coi là một di sản văn hóa quan trọng?
- Tết chính là một thời gian và không gian linh thiêng đối với người Việt, ở đó cùng với không khí giao hòa của đất trời, biểu hiện ở cây cối bung chồi lộc biếc, chúng ta thực hành các nghi lễ để tri ân tổ tiên, gắn kết thành viên trong gia đình, trong cộng đồng và cả xã hội. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, việc thực hành nghi lễ cùng với những thông điệp, ý nghĩa sâu sắc trong những nghi lễ, biểu tượng ngày tết đã giúp dân tộc ta gìn giữ những giá trị hồn cốt của dân tộc.
Chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của bánh chưng, bánh dầy, của tết ông Công, ông Táo, của lễ dựng nêu, hạ nêu, của lễ cúng giao thừa, của "mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy", của tục xin chữ, tục lì xì, đi chùa đầu năm, của màu đỏ, màu vàng, màu xanh trong hầu hết những đồ vật ngày tết... Tất cả là những câu chuyện lịch sử văn hóa được lưu truyền qua ngàn năm lịch sử để chúng ta thực hành và xác định chủ quyền văn hóa quốc gia. Vì thế, Tết được coi là một di sản văn hóa quan trọng nhất của người Việt.
- Tết Việt Nam đã là một “hệ giá trị văn hóa” đậm đà của quốc gia - dân tộc chúng ta, trường tồn hàng ngàn năm nay. Vậy theo ông,“hệ giá trị văn hóa Tết” bao gồm những gì, thưa ông?
- Hệ giá trị văn hóa rất quan trọng để định hướng và điều tiết hành vi của mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội. Trong bối cảnh xã hội biến đổi càng nhanh, với sự tham gia của kinh tế thị trường, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ cùng quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng thì xác định hệ giá trị văn hóa càng trở nên quan trọng để giúp chúng ta bình tĩnh hơn, ứng phó tốt hơn với tốc độ phát triển nhanh chóng của xã hội.
Chúng ta mong muốn xây dựng hệ giá trị văn hóa phù hợp với bối cảnh ngày hôm nay để trở thành hệ điều tiết cho hành vi của mỗi người, mỗi cộng đồng và toàn xã hội. Điều đó chỉ có thể đạt được khi chúng ta tìm kiếm những giá trị văn hóa truyền thống phù hợp, từ đó kết hợp với những giá trị thời đại để tạo nên một hệ giá trị văn hóa mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Trong tương quan ấy, chính hệ giá trị văn hóa Tết được kết tinh tập trung trong thực hành văn hóa của người Việt, với những ý nghĩa nhân văn về yêu nước, tôn trọng truyền thống, hạnh phúc, đoàn kết, chia sẻ, hướng thiện,... sẽ là những hạt nhân để hình thành nên hệ giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, giúp chúng ta tự hào và tự tin hơn trong quá trình hội nhập quốc tế.
Gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc của Tết
- Theo ông, cần làm gì để gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc của Tết truyền thống?
Tết là một dịp vô cùng đặc biệt đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội. Đây là thời điểm của những thực hành nghi lễ truyền thống và tạo tâm lý tích cực cho một năm mới có thể có nhiều khó khăn. Chính vì thế, chúng ta cần làm nhiều việc để thể hiện trách nhiệm đối với truyền thống cũng như giúp tâm lý của chúng ta vững vàng hơn cho giai đoạn thử thách sắp tới.
Tri ân truyền thống qua việc đoàn tụ với gia đình, thực hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên để không chỉ tưởng nhớ ông bà, mà còn kết nối thế hệ hiện tại, và tạo ra bài học về tình thương yêu cho thế hệ tương lai. Tổ chức và thực hành tốt các tục lệ, lễ hội truyền thống, sinh hoạt cộng đồng để chia sẻ những câu chuyện về nguồn gốc và ý nghĩa của các tục lệ ngày Tết.
Bên cạnh đó, chúng ta nên chú ý tạo không gian cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống như biểu diễn âm nhạc, múa lân, múa rồng hay hội chợ Tết; khuyến khích và hỗ trợ nghệ sĩ và nghệ nhân trong việc giữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống trong dịp Tết, cũng như tổ chức các hoạt động từ thiện, góp phần vào các hoạt động xã hội trong dịp Tết để chia sẻ niềm vui và tình cảm trong cộng đồng, truyền cảm hứng cho mọi người về lòng nhân ái và tình thương, đặc biệt đối với những người có hoàn cảnh khó khăn.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!