Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:
Theo quy định của Luật Khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản – trong đó có khai thác đá vôi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, việc khai thác khoáng sản phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy trình khai thác khoáng sản. Trước khi tổ chức khai thác khoáng sản doanh nghiệp khai thác phải được cấp giấy phép để thực hiện việc khai thác.
Tại điểm d, khoản 2, điều 41, Luật Quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ công cụ hỗ trợ quy định doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ phải thiết kế hoặc xây dựng phương án nổ mìn. Ngoài ra, việc nổ mìn phải đảm bảo thực hiện theo Quy chuẩn Việt Nam về nổ mìn tại QCVN: 05/2012/BLĐTBXH quy định chi tiết về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động trong khai thác và chế biến đá.
Bên cạnh đó, Quy chuẩn Việt Nam số 01: 2019/BCT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp và bảo quản tiền chất thuốc nổ ban hành kèm theo Thông tư số 2/2019/TT-BCT quy định để bảo vệ cho người, nhà và công trình không bị phá hủy do chấn động nổ mìn gây ra, phải xác định khoảng cách an toàn khi nổ mìn và khoảng cách an toàn về đá văng.
Như vậy, để khẳng định doanh nghiệp có vi phạm về an toàn nổ mìn, an toàn lao động trong nổ mìn hay không thì bạn cần đối chiếu việc doanh nghiệp đang nổ mìn vào các quy định pháp luật có liên quan, từ đó xác định doanh nghiệp có vi phạm các quy định trong hoạt động khai thác, nổ mìn hay không?
Trong trường hợp công ty nổ mìn khai thác đá rung lắc cả khu vực và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người dân sống xung quanh, bạn có thể gửi Đơn đề nghị các Cơ quan Thanh tra chuyên ngành thực hiện hoạt động thanh, kiểm tra hoạt động nổ mìn của doanh nghiệp.