Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, sáng nay, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Quy định rõ phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và công dân trong quản lý, bảo vệ các công trình này. Qua đó, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới.
Tuy nhiên, các đại biểu lưu ý, trongdự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan đến quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ di dời các công trình khu quân sự; chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quân sự; tạm giữ đồ vật sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ… là những vấn đề quan trọng, cần được rà soát kỹ, để tránh xung đột với các luật, quy định khác có liên quan. Dự thảo Luật cũng còn nhiều nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, trong 34 điều của dự thảo Luật có 9 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết.
Quan tâm đến việc bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, nhiều đại biểu đóng góp ý kiến với quy định tại Điều 16 về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, nhất là quy định tại khoản 2 về xác định phạm vi khu vực cấm công trình quốc phòng, khu quân sự. Theo Điều 16, dự thảo Luật, phạm vi khu vực cấm được xác định theo ranh giới sử dụng đất, mặt nước, khoảng không của công trình quốc phòng, khu quân sự và các vùng bên ngoài.
Tuy nhiên, các ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), Tạ Đình Thi (Hà Nội)... đề nghị, cần cân nhắc kỹ lưỡng quy định tại Điều 16. Bởi, theo đại biểu Tạ Đình Thi, quy định về tiêu chí xác định phần mở rộng thêm, tiêu chí với từng loại nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự nhìn chung đều mang tính định tính, chưa rõ ràng, và Chính phủ được giao quy định chi tiết về nội dung này.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, việc giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung, như phần mở rộng thêm phạm vi vành đai an toàn, khu vực, bảo vệ phạm vi hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống vành đai quân sự, phạm vi vành đai an toàn kho đạn dược nêu trên có thể chồng lấn với đất, mặt nước, khoảng không đang thuộc quyền quản lý, sử dụng của tổ chức, cá nhân khác, từ đó có thể gây thiệt hại, làm hạn chế quyền quản lý, khai thác, sử dụng của tổ chức, cá nhân.
“Cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ về giới hạn phạm vi khu vực cấm sử dụng đất, mặt nước, khoảng không của công trình quốc phòng, khu quân sự trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh phải mở rộng để khi Luật có hiệu lực sẽ thi hành được ngay, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân có liên quan và phù hợp với quy định của Hiến pháp”, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị.
Phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự phù hợp hơn
Về phân loại phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 5), các ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa), Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), Nguyễn Quốc Việt (Hà Nội)... cho rằng, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự thành quá nhiều nhóm, có đến 8 nhóm, và vừa phân loại theo chiều dọc, vừa phân loại theo chiều ngang như dự thảo Luật sẽ khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Do vậy, cần nghiên cứu phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự theo căn cứ yêu cầu quản lý, bảo vệ, từ đó sẽ quy định các biện pháp quản lý, bảo vệ phù hợp.
Mặt khác, theo đại biểu Cầm Thị Mẫn, cần cân nhắc chỉ nên giao cho Bộ Quốc phòng mà không cần giao cho Chính phủ ban hành danh mục loại nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự. Bởi, Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, việc giao cho Bộ ban hành danh mục loại nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự còn bảo đảm tính nhanh chóng, linh hoạt và giảm bớt thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu tác chiến của quân đội nhân dân.
Nhìn ở khía cạnh khác, ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) nhận thấy, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự như dự thảo Luật chưa tương thích với quy định về các trường hợp thu hồi đất và mục đích quốc phòng tại Điều 61, Luật Đất đai hiện hành và Điều 78 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu xem xét, chỉnh lý việc phân loại nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự tại Điều 5, bảo đảm tương thích cao với các trường hợp thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Qua đó, tạo thuận lợi khi thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng theo yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn và tình hình, điều kiện thực tế.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến thực trạng trong khu công trình quốc phòng có một số công trình sử dụng chung, vừa cho mục đích quốc phòng, vừa cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội như sân bay, bến cảng. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa đề cập tới việc quản lý, khai thác, sử dụng.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn nêu rõ, Quốc hội khóa XIV đã có Nghị quyết số 132/2020/QH14 thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Nghị quyết này đã được thực hiện 2 năm qua. Cơ quan chức năng cần sớm sơ kết, đánh giá về kết quả thực hiện, từ đó sớm đề nghị các chính sách quản lý, khai thác công trình quốc phòng kết hợp với mục đích kinh tế ngay trong dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thảo luận cùng với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) đề nghị, cần quy định rõ hơn về thẩm quyền quyết định việc chuyển công trình lưỡng dụng sang sử dụng hoàn toàn cho mục đích quân sự. Đồng thời, quy định rõ hơn về giai đoạn chuyển tiếp khi chuyển từ lưỡng dụng sang quân sự, nhất là về trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với các cơ sở hoạt động dân sự tương tự trên địa bàn địa phương đó.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang thay mặt cơ quan soạn thảo, trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ và tại hội trường ngày hôm nay. “Bộ Quốc phòng sẽ tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo Luật, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh", Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh.
Trước các ý kiến của đại biểu Quốc hội về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, Bộ trưởng cho rằng, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết và rất quan trọng. Mục đích của việc phân loại, phân nhóm để làm cơ sở xác định phạm vi bảo vệ, yêu cầu, nội dung quản lý, bảo vệ, chế độ, biện pháp tổ chức quản lý, bảo vệ phù hợp với từng loại nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự. Mặt khác, việc phân loại, phân nhóm còn làm cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
"Việc giao Chính phủ quy định chi tiết loại, danh mục nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự là phù hợp với tính đặc thù, đáp ứng yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật". Khẳng định điều này, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh nội dung, phân loại, phân nhóm theo hướng rõ ràng, mạch lạc hơn, nhưng vẫn bảo đảm giữ được bí mật của nhà nước.