Nghị lực vượt khó của cô học trò dân tộc Thái
Lương Thị Hạnh sinh ra và lớn lên tại Bản Na Loi, xã Na Lọi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ, do gia đình khó khăn nên hoàn cảnh của nữ sinh khá vất vả. Hạnh rất ít khi được mua quần áo mới, thường phải mặc lại đồ cũ để tiết kiệm tiền. Vào năm học mới, Hạnh cũng không có nổi sách vở hay đồ dùng học tập để đến trường. Thời điểm đó, em chỉ có thể nhờ đến sự giúp đỡ của bác ruột mới mua được tập vở, quyển sách.
Tuy điều kiện kinh tế eo hẹp, nhưng gia đình vẫn cố gắng hết sức lo cho Hạnh và em trai ăn học. Thấu hiểu được sự hy sinh lớn lao này, cô sinh viên tự hứa với bản thân không ngừng nỗ lực cố gắng, phấn đấu để vươn lên trong cuộc sống. Bởi chỉ có học hành mới báo đáp được công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và giúp chính mình vươn lên khá giả.
Trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, Lương Thị Hạnh luôn cố gắng đạt kết quả học tập tốt. Ngoài giờ đi học, nữ sinh còn phụ mẹ chăm em và làm việc nhà.
Hạnh cho biết, mẹ là người gần gũi, động viên và truyền lửa để em nghiêm túc theo đuổi con đường học vấn. Mẹ luôn nhắc nhở Hạnh, phải cố gắng học để vượt lên chính mình và có một tương lai tươi sáng hơn. Phụ nữ cần công việc ổn định mới mong cuộc sống bớt phần nào chông chênh.
"Khá nhiều phụ huynh ở vùng cao không tạo điều kiện cho con cái học tập. Thay vào đó, họ định hướng cho con mình đi làm kiếm tiền, hay về quê lấy chồng. Em may mắn khi được gia đình hết mực ủng hộ việc học hành", Nữ sinh Nghệ An xúc động.
Cũng như Lương Thị Hạnh, trẻ em ở bản Na Loi thiếu thốn trăm bề, từ quần áo cho đến sách vở học tập. Những bộ đồng phục dân tộc đã trở thành trang phục gắn liền với học sinh nghèo nơi đây, dẫu cho tiết trời mưa lạnh hay nắng nóng. Cuốn vở rách, quyển sách với các dòng chữ lem nhem khó đọc nhưng là cả gia tài quý báu giúp học sinh vùng khó tiếp cận được tri thức.
Thấu hiểu sự khó khăn của trẻ em nghèo nên từ nhỏ, Hạnh nuôi ước mơ trở thành giáo viên giỏi, đem con chữ về "thắp sáng" bản làng. Thời điểm đăng ký nguyện vọng đại học, nữ sinh chọn ngành Sư phạm Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để từng bước chinh phục mục tiêu của mình.
Bí quyết học tốt các bộ môn khoa học tự nhiên của nữ sinh sư phạm
Điều đặc biệt ở Lương Thị Hạnh không chỉ là người con gái dân tộc Thái bản lĩnh, giàu ý chí vượt khó mà còn vô cùng đam mê các bộ môn khoa học tự nhiên. Hạnh nói rằng em lựa chọn Hóa học chỉ đơn giản bởi hiểu và áp dụng được những kiến thức đó vào cả lý thuyết lẫn thực tiễn.
Ngay từ năm Hai đại học, Lương Thị Hạnh đã đi dạy gia sư. Hạnh nhận các lớp dạy thêm về Toán học, Hóa học và cả Vật lý.
Nữ sinh Nghệ An cho biết, em áp dụng 5 phương pháp để học đều và đạt hiệu quả các môn khoa học tự nhiên. Trên lớp, Hạnh tập trung nghe giảng, ghi chép bài đầy đủ, xung phong phát biểu để nắm chắc kiến thức trên lớp. Phần nào chưa hiểu, cô học trò sẽ trao đổi với các bạn trong lớp hoặc hỏi lại thầy cô. Các môn khoa học tự nhiên có điểm chung là nhiều công thức tính toán, nên cần học và nắm chắc được phần lý thuyết cũng như các công thức.
Về phần thực hành, Hạnh sẽ nghiên cứu và làm nhiều dạng bài tập khác nhau; đồng thời tóm tắt lại kiến thức của một chương, một bài sau khi học xong bằng cây sơ đồ tư duy.
"Để học tốt các bộ môn tưởng chừng khô khan này cần có sự kiên trì và chăm chỉ. Em luôn đặt mục tiêu điểm số rõ ràng, cũng như tránh tình trạng học tủ. Thay vào đó sẽ chia đều và học kỹ tất cả các phần của môn học đó", Hạnh nói.
Nói về dự định tương lai, Lương Thị Hạnh khẳng định sẽ quay trở về địa phương để thực hiện ước mơ của mình. Nữ sinh khoa Hóa háo hức, mong chờ được mang những kiến thức mình đã học truyền đạt lại cho thế hệ sau. Hạnh tin bằng chính sự kiên trì và tình yêu của một nhà giáo sẽ mở rộng con đường tiếp cận tri thức của học trò nghèo nơi bản làng.
Trong năm 2024, Lương Thị Hạnh vinh dự trở thành một trong những sinh viên được nhận học bổng hỗ trợ Quỹ học sinh, sinh viên vùng khó khăn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đây là quỹ dành cho các học sinh, sinh viên vươn lên trong học tập, tu dưỡng; cho những học sinh vùng khó khăn không phải bỏ học giữa chừng, nhất là các học sinh muốn trở thành nhà giáo.
Lương Thị Hạnh tâm sự, học bổng không chỉ là nguồn hỗ trợ về vật chất mà còn là niềm tin, nguồn an ủi lớn về tinh thần để giúp em vững bước trên con đường học nghề và thành nghề. Nhờ đó, Hạnh đã có thể tự tin chinh phục những dự định và mục tiêu của mình là trở thành một nhà giáo ưu tú, góp sức mình cho nền giáo dục nước nhà.
Quỹ Đồng hành học sinh, sinh viên vùng khó do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập. Quỹ này dành cho các học sinh, sinh viên vươn lên trong học tập, tu dưỡng; cho những học sinh vùng khó khăn không phải bỏ học giữa chừng, nhất là các học sinh muốn trở thành nhà giáo.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, từ thực tế hoàn cảnh của nhiều học sinh, sinh viên nhà trường thuộc vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn, quỹ được sáng lập nhằm thực hiện các hoạt động khuyến học, khuyến tài, tài trợ học bổng, trao giải thưởng nhằm động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên vượt khó, phát huy năng lực của bản thân trong học tập và rèn luyện.
Quỹ tiếp nhận và quản lý nguồn tài chính được tài trợ, hỗ trợ, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và cựu sinh viên để thực hiện các hoạt động đúng với tôn chỉ, mục đích của quỹ và quy định của pháp luật.
GS.TS Nguyễn Văn Minh cũng khẳng định, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cam kết đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng nguồn quỹ; đảm bảo tính công bằng, dân chủ trong xét, chọn đối tượng học sinh, sinh viên được hỗ trợ.