“Tướng Việt Minh đàn bà”
Tầng 3 của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) là không gian “Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử”. Ngay trong góc nhỏ đầu tiên là hình ảnh các chiến sĩ cách mạng và giành chính quyền. Hiện vật gợi nhớ về người, về những phụ nữ “chân yếu tay mềm” được tôi luyện trong thực tế đấu tranh, những phụ nữ sẵn sàng đối mặt với cực hình tra tấn thô bạo, sẵn sàng hy sinh để bảo đảm an toàn cho các tổ chức cách mạng và Đảng. Chiếc mâm gỗ mà chị Nguyễn Thị Minh Khai dùng để in truyền đơn trong phong trào cách mạng 1936 - 1939, chiếc nhẫn chị tặng Nguyễn Thị Nhuận bạn cùng hoạt động, ấm tích phục vụ cán bộ của bà Nguyễn Thị Vuốt ở Song Liễu, Thuận Thành, Bắc Ninh những năm 1943 - 1944, rồi chiếc ví đựng kim chỉ đã theo bà Nguyễn Thị Định những năm tháng đấu tranh cách mạng... Và nổi bật trong số đó là khẩu súng lục với lớp mạ đã xám nâu theo thời gian. Câu chuyện đằng sau nó càng thêm điểm tô cho gương mặt phụ nữ cách mạng Việt Nam.

Đó là khẩu súng lục “Nữ tướng Việt Minh vùng Yên Thế” dùng trong khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Yên Thế, Bắc Giang, diễn ra ngày 18.8.1945. Danh xưng của bà là Hà Thị Quế, còn tên thật là Lương Thị Hồng (1921 - 2012) tại xã Quỳnh Lưu, Nho Quan, Ninh Bình. Hoạt động cách mạng từ lúc 16 - 17 tuổi, làm liên lạc viên (giao thư) cho cán bộ lãnh đạo Xứ ủy Bắc Kỳ, hoạt động ở quê nhà một thời gian nhưng vì bại lộ tung tích nên Hà Thị Quế được phân công về hoạt động tại Thái Bình, Bắc Ninh, sau đó lên vùng rừng núi Bắc Giang. Từ căn cứ địa làng Bừng, bà Quế đã tỏa đi hoạt động cách mạng ở vùng rừng núi Yên Thế và Việt Yên. Sinh thời, bà từng kể: “Tôi là người trực tiếp tổ chức khởi nghĩa và giành chính quyền ở Yên Thế. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 15.4.1945, chúng tôi đã phối hợp vũ trang tiến đánh phủ Yên Thế lần thứ nhất...”.
Sau khi bị đánh những đòn đau đớn, phát xít Nhật đã điều 53 lính lên Yên Thế, đồng thời, tên Tri phủ mới là Tưởng Văn Trang từ Bắc Sơn, Lạng Sơn về cai quản phủ Yên Thế. Vừa mới đến nơi, tên này đã cho gọi chánh tổng, nha lại đến ra lệnh: “Chúng ta là đàn ông, để thua đàn bà là không được. Tôi và các ông phải cùng nhau trị cho được tên 'tướng Việt Minh đàn bà', nếu không trị được sẽ đưa Nhật về diệt”. Ngày đó, phát xít Nhật phát cho do thám hình ảnh nữ tướng Hà Thị Quế của Việt Minh, đặt giải hai vạn bạc Đông Dương để bắt bà cho bằng được.
Ngày 18.8.1945, bà Hà Thị Quế cùng ban lãnh đạo cách mạng tỉnh Bắc Giang tiến hành khởi nghĩa và giành chính quyền ở Phủ Lạng Thương. Để ghi nhớ chiến công dũng cảm và mưu lược của nữ tướng Việt Minh, sau này ở chùa Nam Thiên (thị trấn Nhã Nam) dựng bia có khắc hai câu: “Yên Thế lừng danh Hà Thị Quế/ Nhã Nam bất khuất đất anh hùng”.
Chiếc ấm sắc thuốc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (25 Tôn Đản, Hà Nội) có chiếc ấm sắc thuốc nhỏ được đặt trong ô kính. Đó là chiếc ấm đất được nung thủ công giống như bao ấm đất mà người dân Việt Nam từng sử dụng một thời. Trải qua năm tháng, khi được sưu tầm về Bảo tàng lưu giữ và bảo quản, chiếc ấm không còn nắp, nhưng thân ấm vẫn lành nguyên, những mảng nhọ ám khói đen do đun sắc thuốc nhiều lần còn bám xung quanh. Đó chính là chiếc ấm dùng để sắc thuốc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người bị ốm ở Chiến khu Việt Bắc năm 1945.
Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tháng 5.1945, giữa lúc khí thế cách mạng dâng trào, phong trào cách mạng trong cả nước phát triển mạnh, điều kiện cần thiết cho cuộc tổng khởi nghĩa đã chín muồi, thì Bác Hồ bị ốm nặng, lúc tỉnh lúc mê. Trước tình hình khẩn trương đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn cố gắng làm việc, tâm trí Người luôn thường trực vấn đề giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, vì vậy Người vẫn quyết tâm về Tân Trào để dự Đại hội Quốc dân chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Trên đường về Tân Trào, Người rất yếu, có lúc phải dùng cáng. Khi qua Thái Nguyên, Người không thể đi tiếp, phải nghỉ tạm ở xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương. Tại đây, Người được nhân dân địa phương chở che và chữa bệnh, trong đó có gia đình bà Hoàng Thị Dậu.

Bà Dậu đã vào rừng tìm các loại lá thuốc quý và dùng chiếc ấm của gia đình mình sắc thuốc hàng ngày, chăm sóc Bác Hồ. Với sự tiếp sức của bà con giữa núi rừng Việt Bắc, Người dần khỏe lại, tiếp tục hành trình về Tân Trào. Tại Đại hội Quốc dân, Người đã kịp thời phát động nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Lịch sử còn ghi, thành công của Đại hội Quốc dân ngày ấy chính là tiền đề cho thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng 8.1945. Sau này, trong thư gửi đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Bắc Giang ngày 20.3.1946, Người viết: “Tôi luôn nhớ đến lúc tôi đau ốm, anh chị em săn sóc ân cần như ruột thịt. Vì vậy, người tôi tuy xa cách nhưng lòng tôi luôn luôn gần anh em…”.
Trong những năm chiến tranh, các gia đình hầu như không còn giữ được nhiều hiện vật gắn với Bác Hồ, nhưng tình cảm của đồng bào chiến khu, nhất là niềm trân trọng, ân cần của những phụ nữ như bà Hoàng Thị Dậu hướng về Đảng, về Bác thì mãi nguyên vẹn. Chiếc ấm sắc thuốc của bà Dậu năm xưa giờ đây trở thành một hiện vật quý, minh chứng cho cử chỉ cao đẹp vì cách mạng của phụ nữ nói riêng, nhân dân các dân tộc nói chung với lãnh tụ Hồ Chí Minh trong những năm đấu tranh cách mạng gian khổ.
Tinh thần phụ nữ cách mạng
Những hiện vật đã hoàn thành sứ mệnh của nó ở một thời kỳ, nhưng vẫn khắc sâu ghi nhớ về trang sử chói lọi của dân tộc mà phụ nữ Việt Nam đã trực tiếp hay gián tiếp đóng góp một phần không nhỏ. Nhớ câu chuyện ở cánh rừng Khuổi Nậm (Cao Bằng), nơi diễn ra Hội nghị lần thứ Tám của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì (10 - 19.5.1941), lá cờ đỏ sao vàng do phụ nữ Hà Nội thêu đã được chọn làm quốc kỳ khi cách mạng thành công. Bốn năm sau, lá cờ đỏ sao vàng theo các đội Giải phóng quân từ Tân Trào thẳng tiến về mọi miền của đất nước. Lại chính những phụ nữ Hà Nội đã ngày đêm tập trung bí mật may cờ, ngôi sao năm cánh lấp lánh sắc vàng của chỉ kim tuyến, chuẩn bị cho cách mạng cướp chính quyền. Giờ đây, những cuộn chỉ vàng phai lịch sử ấy vẫn được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, hiện thân cho niềm tin chiến thắng và chân lý sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Cuộn chỉ phai đặt cạnh chiếc mã tấu, chiếc ví đựng kim chỉ, ấm tích và nồi nấu cơm đặt bên khẩu súng, dao găm... Những điều rất “nữ nhi” và những điều “chẳng thường tình”, tưởng chừng đối lập, nhưng lại hài hòa trong tinh thần chung - tinh thần của phụ nữ cách mạng. Nói như TS. Bùi Trân Phượng, người có nhiều nghiên cứu về giáo dục và lịch sử cận hiện đại Việt Nam, đặc biệt là vai trò của phụ nữ Việt Nam trong xã hội: “Những người Việt nữ trong thời kỳ đấu tranh cách mạng đã khẳng định nữ cũng như nam, quyết làm chủ đời mình và đóng góp xứng đáng cho đất nước. Họ đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang dưới ngọn cờ chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa cộng sản. Phạm vi hoạt động của họ không chỉ trong ba kỳ của Việt Nam lúc đó, không chỉ ở Đông Dương, mà vươn tới tầm quốc tế, gợi thông điệp về tự do, bình đẳng và khát khao khẳng định mình của người phụ nữ trong lịch sử Việt Nam”.