- Thưa ông, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đang diễn ra như thế nào? Tình trạng này ở nước ta có điểm gì khác với các nước trên thế giới?

- Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước khác nhưng có những đặc điểm riêng biệt khiến cho tỷ số giới tính khi sinh ngày càng cao và tình trạng mất cân bằng ngày càng nghiêm trọng. Năm 1999, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 107 bé trai/100 bé gái nhưng từ năm 2006, tỷ số này đã lên 109,8/100. Trong những năm gần đây, tỷ số giới tính khi sinh vẫn tiếp tục tăng và ở mức rất cao (năm 2012 là 112,3; năm 2013 là 113,8; năm 2014 là 112,2). Dự báo, nó còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Không chỉ tăng nhanh, tình trạng MCBGTKS còn lan rộng ra cả thành thị, nông thôn và nhiều vùng địa lý. Năm ngoái, có tới 6/6 vùng địa lý kinh tế xảy ra MCBGTKS, 55 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh từ 108 trở lên.
Một điểm nữa trong thực trạng MCBGTKS ở nước ta, đó là tỷ số giới tính khi sinh cao ngay từ lần sinh thứ nhất. Kết quả Điều tra biến động DS-KHHGĐ năm 2012 cho thấy tỷ số giới tính khi sinh qua các lần sinh ở Việt Nam lần lượt qua các lần sinh 1 - 2 - 3 là 115,2 - 110,1 - 121. Nhiều cặp vợ chồng đã thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh ngay trong lần mang thai thứ nhất. Điều này khác hoàn toàn ở các quốc gia châu Á khác, khi mà tỷ số giới tính khi sinh bình thường ở lần sinh thứ nhất, tăng cao dần trong những lần sinh thứ hai và thứ ba.
Ở nước ta, những gia đình có kinh tế khá giả, những phụ nữ có trình độ học vấn cao, có mức sinh thấp hơn một cách rõ rệt so với các đối tượng khác. Họ biết chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai để điều chỉnh số con mong muốn. Bên cạnh đó, những phụ nữ này có điều kiện kinh tế tốt hơn để có thể chi trả dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh nhằm thỏa mãn được cả 2 mục tiêu: quy mô gia đình nhỏ và có con trai. Do đó, càng những gia đình kinh tế khá giả, phụ nữ học vấn cao, tỷ số giới tính khi sinh cũng càng cao…
- Phân tích của ông cho thấy, tình trạng MCBGTKS của Việt Nam hiện đang rất nóng và phức tạp. Vậy, tình trạng này sẽ để lại hậu quả gì, thưa ông?
- Đúng vậy, rất nóng và phức tạp. Tình trạng gia tăng tỷ số giới tính khi sinh hay MCBGTKS sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường về mặt kinh tế, xã hội, thậm chí cả an ninh chính trị… khi các nam nữ thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn. Dự báo,Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ. Trước hết, tình trạng “dư thừa” nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể sẽ dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn, thậm chí có người không có khả năng kết hôn. Bên cạnh đó, việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh còn làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giới, khiến nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, buôn bán phụ nữ cũng diễn biến phức tạp…
- Nhiều quốc gia trên thế giới khi gánh chịu hậu quả của MCBGTKS đã phải “nhập khẩu cô dâu”. Liệu, tình trạng này có xảy ra ở nước ta hay không thưa ông?
- Để giải quyết tình trạng “dư thừa” nam giới, một giải pháp tình thế hiện đang được một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc áp dụng là kết hôn với người nước ngoài (còn gọi là “nhập khẩu cô dâu”). Tuy nhiên, nó cũng cho thấy nhiều bất cập như tạo ra các luồng di cư quốc tế, các biến thái mới của nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái dưới hình thức hôn nhân như đám cưới giả. Thậm chí, các xung đột quốc tế mới giữa các quốc gia “xuất khẩu cô dâu” và các quốc gia “nhập khẩu cô dâu” cũng có thể nổ ra. Vì vậy, đây không được xem là giải pháp bền vững.
- Để từng bước không chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tiến tới đưa trở về mức cân bằng tự nhiên, chúng ta cần có những biện pháp gì, thưa ông?
- Để khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp can thiệp như truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi. Ngoài ra, chúng ta đã xây dựng, thử nghiệm và thực hiện các chính sách mang lại lợi ích trực tiếp cho các gia đình sinh con gái và hệ thống các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Sửa đổi, bổ sung và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi để thúc đẩy nhanh sự chấp nhận các giá trị bình đẳng giới trong đời sống gia đình và xã hội. Việc nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi cũng được chú trọng. Bên cạnh đó là hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về kiểm soát MCBGTKS và các nội dung có liên quan theo hướng quy định chi tiết và cụ thể hơn...
- Xin cảm ơn ông!