Đổi mới công tác tuyên truyền
Những tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Bình Thuận đã linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Trong đó thực hiện đồng bộ giải pháp về công tác thông tin, truyền thông trực tiếp đến gián tiếp từ tỉnh đến các huyện, thị xã. Thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã tiếp tục triển khai các phương thức vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với các hình thức phù hợp, bảo đảm hiệu quả và an toàn trong mùa dịch. Đặc biệt, BHXH các huyện không tổ chức hội nghị tuyên truyền mà chia thành nhiều nhóm nhỏ đến tận nhà dân tuyên truyền, vận động tham gia về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Với chỉ tiêu được giao phát triển 12.051 người tham gia BHXH tự nguyện, đây là một mục tiêu rất khó khăn cho ngành BHXH Bình Thuận, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đến nay. Thế nhưng nhờ tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp cụ thể từ tỉnh đến cấp huyện, thị xã; trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, cho nên số lượng người dân tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng.
Với phương châm mỗi công chức, viên chức, người lao động BHXH tỉnh Bình Thuận là một tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người thân và người dân cùng tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện. Hiện nay, BHXH tỉnh thường xuyên phối hợp với đại lý thu của UBND xã, phường trên địa bàn thành phố Phan Thiết chia thành nhiều nhóm nhỏ đến tận gia đình người dân để tuyên truyền về quyền lợi, tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để vận động người dân tham gia.
Với mục tiêu không ngừng phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, thời gian tới ngành BHXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với bưu điện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nhằm giúp người dân nắm bắt được quy định, chính sách ưu đãi cũng như lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Cùng với đó, các địa phương tiếp tục tập trung, nâng cao tinh thần đoàn kết, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá về công tác phối hợp tuyên truyền, thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện, ông Phạm Xuân Toan - Giám đốc BHXH tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh: “Đây là công tác hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, để chính sách thực sự đi vào đời sống người dân trên địa bàn, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác BHXH, BHYT, BHTN theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị. Từ đó góp phần ổn định tình hình chính trị và bảo đảm chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Những dấu ấn nổi bật
Năm 2020 là năm cuối hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng tập thể lãnh đạo và đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH tỉnh Bình Thuận đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ chủ yếu được giao, cụ thể: Phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã đạt và vượt các chỉ tiêu mà UBND tỉnh giao, trong đó đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đạt 132,3% kế hoạch, BHXH tự nguyện đạt 242%, BH thất nghiệp đạt 137,3%, BHYT đạt 100,2% kế hoạch. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,26% dân số, vượt chỉ tiêu bao phủ mà Chính phủ giao năm 2020 (90%).
Thu BHXH, BHYT, BHTN được 2.465.317 triệu đồng, đạt 100,37% kế hoạch; tỷ lệ nợ phải tính lãi chiếm 2,01%, thấp hơn 0,5% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao (2,51%); công tác quản lý tài chính (thu, chi trên 4.733 tỷ đồng) bảo đảm an toàn, thanh toán, quyết toán đúng quy định, không để xảy ra sai sót, thất thoát; phối hợp với ngành y tế thực hiện công tác giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT cho trên 2 triệu lượt người bệnh, với tổng chi phí hơn 710,3 tỷ đồng và kiểm soát tốt nguồn kinh phí theo dự toán của Thủ tướng Chính phủ giao, với tỷ lệ sử dụng là 98,5%, xếp thứ 25 so với toàn quốc.
Bên cạnh đó, ngành BHXH còn là một trong những đơn vị tích cực, đi đầu trong việc đổi mới phương thức phục vụ, chăm lo tốt cho các đối tượng thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN; không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ công, quan tâm cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh giao dịch hồ sơ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, với tỷ lệ đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử đạt 95,8%; chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, chi trả BHXH một lần và chi trả BHXH tự nguyện qua thẻ ATM đạt 52,2% (vượt 14,2% chỉ tiêu được giao)…
Quyết liệt hoàn thành nhiệm vụ
Để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2020 và những năm tiếp theo, trong thời gian tới, BHXH tỉnh Bình Thuận chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện các giải pháp mang tính đột phá như: Đối với phát triển nhóm người lao động và người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHXH tỉnh tiếp tục thực hiện rà soát khai thác triệt để các đơn vị có sử dụng lao động nhưng chưa tham gia, hoặc tham gia BHXH, BHYT, BHTN chưa đầy đủ cho người lao động, thông qua dữ liệu cơ quan Thuế và cơ quan Đăng ký kinh doanh cung cấp. Đồng thời, tăng cường thực hiện các nhiệm vụ: Gửi thông báo đôn đốc, tổ chức làm việc với doanh nghiệp, hoặc tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng, kiểm tra… đối với các doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đăng ký đóng cho người lao động.
Đối với việc phát triển, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch BHXH tự nguyện: Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền trực tiếp đến các địa phương, cơ sở; tổ chức thêm nhiều đợt ra quân, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhóm người có nhiều tiềm năng như: Chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp không hưởng tiền lương, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, hội viên các hội, đoàn thể, quần chúng, nhóm người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm thời nghỉ việc… bảo đảm đến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.
Đặc biệt, nắm bắt số lượng người đang tham gia BHYT, chú trọng đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo thoát nghèo, người dân tại các xã nông thôn mới; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để kịp thời tuyên truyền, vận động tiếp tục tham gia BHYT; báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương huy động sự hỗ trợ hợp pháp của người dân, doanh nghiệp để mua BHYT cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.