Năm “vượt khó”…
- Năm 2020 là một năm “đặc biệt”, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và diễn diễn khó lường đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Trong khó khăn, nỗ lực của toàn ngành đã được thể hiện rõ nét. Năm học này, ngành giáo dục phải song hành hai nhiệm vụ: “bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên và bảo đảm kế hoạch năm học”. Để thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19, lần đầu tiên, dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình được triển khai trên toàn quốc, cũng lần đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thành 2 đợt. Kết quả của hai nhiệm vụ quan trọng “lần đầu tiên” được thực hiện này không chỉ tạo nên dấu ấn đặc biệt cho ngành giáo dục trong năm học vừa qua mà còn để lại bài học kinh nghiệm quý về sự linh hoạt, chủ động và quyết đoán của ngành.
Năm 2020 cũng là năm bản lề triển khai chính thức chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1. Bộ GD - ĐT đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện chương trình. Lần đầu tiên Việt Nam có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau theo cùng một khung chương trình giáo dục phổ thông thống nhất. Tất cả các đầu sách giáo khoa được Bộ GD - ĐT phê duyệt đều được các trường lựa chọn. Điều này bước đầu cho thấy công tác xã hội hóa sách giáo khoa đã phát huy tác dụng tích cực.
Cùng với đó, tiếp tục tinh thần gỡ bỏ các rào cản, khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, kiến tạo môi trường pháp lý để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2020, triển khai Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1.7.2020) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (có hiệu lực từ ngày 1.7.2019), Bộ GD - ĐT đã chủ trì soạn thảo trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 4 nghị định, nghị quyết của Chính phủ; 8 quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 33 thông tư của Bộ GD - ĐT. Đưa tổng số văn bản pháp quy được hoàn thiện và ban hành trong 5 năm (2016 - 2020) lên 278 văn bản.
Năm 2020 cũng đánh dấu bước “đột phá” của giáo dục đại học trong quyết tâm thực hiện tự chủ, tạo đột phá trong quản trị đại học. Việc kiện toàn Hội đồng trường theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99 có chuyển biến tích cực. Nhiều trường đã có bứt phá mạnh trong đào tạo và nghiên cứu. Nhiều công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn (nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua).
- Thành công của ngành giáo dục để thích ứng dạy và học trong điều kiện dịch bệnh được đánh giá là bước ngoặt quan trọng, làm thay đổi phương thức dạy học truyền thống, tạo đà chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục. Bộ trưởng có thể chia sẻ đôi chút về kết quả này?
- Kết quả dạy học trực tuyến của Việt Nam được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá rất tích cực. Báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 29.9.2020 nhận xét: “Việc học trực tuyến để phòng - chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác”. Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%). Ở bậc đại học, có trên 50% cơ sở giáo dục cũng dạy học từ xa, trong đó nhiều trường áp dụng trực tuyến hoàn toàn, một số cơ sở kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.
Bộ GD - ĐT đã và đang hoàn thiện hành lang pháp lý cho hình thức dạy học trực tuyến trong giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam, phương thức dạy học trực tuyến đã được công nhận và dự thảo thành thông tư quy định cụ thể về cách thức quản lý tổ chức dạy học theo phương thức này ở bậc phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Lần đầu tiên, nước ta có 4 đại học lọt vào tốp 1.000 thế giới; 11 trường đại học nằm trong bảng xếp hạng châu Á của QS; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới. Trước năm 2015, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam chưa có mặt trong các bảng xếp hạng thế giới, chỉ có 2 trường vào top 300 châu Á.
Mặc dù xảy ra dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu nhưng học sinh Việt Nam vẫn nỗ lực tham gia các kỳ thi lớn của quốc tế thông qua hình thức trực tuyến. Trong 5 năm qua (từ 2016 - 2020), đã có 174 lượt học sinh Việt Nam được cử đi dự thi các môn văn hóa tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Kết quả, các em đã đoạt được 170 huy chương và bằng khen, trong đó 54 huy chương Vàng, tăng gấp đôi so với giai đoạn 2011 - 2015.
… Và quyết tâm đổi mới toàn diện
- Những chuyển biến quan trọng về mọi mặt, những dấu ấn “vượt khó” giai đoạn vừa qua sẽ tác động như thế nào đến phương hướng hoạt động của ngành giáo dục trong năm 2021?
- Những chuyển biến quan trọng về mọi mặt, những dấu ấn “vượt khó” giai đoạn vừa qua sẽ là nền tảng để ngành giáo dục tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản với những nội dung cụ thể phù hợp trong từng năm học trong giai đoạn tiếp theo.
Năm 2021, ngành giáo dục sẽ tập trung cao nhất cho nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thành triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, để từ đó rút kinh nghiệm, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện triển khai ở các năm học, lớp học tiếp theo. Trước mắt là hoàn thành thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa các môn học lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình.
Ngành giáo dục cũng sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm cho học sinh và bảo đảm trường học an toàn. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, quản trị cơ sở giáo dục, đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đào tạo, trong đó tập trung hoàn thiện chính sách phát triển đào tạo trực tuyến, quản lý giáo dục trên môi trường mạng, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
- Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, năm mở đầu Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Bộ trưởng có thể chia sẻ tâm thế toàn ngành trước thời cơ này?
- Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng khi là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là năm mở đầu Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, mở ra một giai đoạn mới cho toàn ngành phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp tục hiện thực hóa chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà. Xác định đây vẫn là một năm khó khăn với ngành giáo dục do tác động của nhiều yếu tố khách quan, chính vì vậy, toàn ngành sẽ phải tiếp tục linh hoạt, chủ động, tích cực ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới.
Bên cạnh sự kiên trì, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý ngành của Bộ GD - ĐT, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ, giáo viên trên toàn quốc và sự tin tưởng, ủng hộ của phụ huynh, học sinh. Sự cộng hưởng của những yếu tố đó sẽ giúp giáo dục Việt Nam tiến nhanh hơn trên con đường đổi mới căn bản, toàn diện, trở thành nền giáo dục hiện đại và phát triển.