Kiên cường bám trụ
“Sức tàn phá khủng khiếp của các đợt oanh kích bằng không quân của Mỹ làm cho cả một vùng rừng nguyên sinh đầy sức sống thơ mộng trở thành vùng chết thảm thương, đến cả loài chim sâu nhỏ nhoi cũng không còn đất sống. Chỉ có bộ đội Trường Sơn vẫn kiên cường bám trụ mở đường tránh, phá bom, lấp hố bom, cứu chữa thương binh, hướng dẫn các đoàn xe đêm đêm đưa hàng vào chiến trường” - Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, nguyên cán bộ công binh Trung đoàn 98 chia sẻ khi nhớ lại những năm tháng ở Trường Sơn.
![]() | |
Thần tốc tiến về Sài Gòn | Ảnh tư liệu |
“Tôi nhớ mãi chuyện vào năm 1969, ở khu vực Siêng Phan, máy bay tới, một tiểu đội công binh đã kịp chạy vào hang, nhưng sau đó máy bay ném bom đánh sập núi đá ấy, 12 đồng chí hy sinh cả... Hàng ngày chứng kiến những đau thương như vậy, nhưng người lính khi bước vào Trường Sơn có tâm niệm “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, dù khó mấy cũng vượt qua. Lái xe ngồi lên xe tự hứa rằng, dù bom đạn vẫn vững tay lái, không khi nào bỏ xe, bỏ hàng; bộ đội công binh kiên quyết kiên trì bám trụ, quyết thông xe, không để đường tắc...”. Thiếu tướng Võ Sở |
Nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, đế quốc Mỹ sử dụng chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, thường xuyên và chủ yếu là bằng sử dụng không quân đánh phá hết sức quyết liệt. Chúng đã thực hiện 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay, trút xuống Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom đạn các loại, hơn 100 triệu lít chất độc hóa học… để phá hủy tuyến đường và tiêu diệt các lực lượng bộ đội ta.
Gắn bó với Trường Sơn trong 10 năm, Thiếu tướng Võ Sở - Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho biết: Địch đánh phá bằng đủ loại máy bay tiêm kích, ném bom đến pháo đài B52... với đủ loại bom đạn như bom phá, bom sát thương, bom từ trường, bom bi, bom chụp, bom khoan, bom napan, lân tinh, bom nổ chậm... mìn lá, mìn vướng, thủy lôi... và các loại khí tài hiện đại như cây nhiệt đới, tia hồng ngoại để săn đuổi xe, tiêu diệt lực lượng; các phương tiện trinh sát và các tổ biệt kích thám báo... Một ngày chúng thường đánh 5 - 6 tiếng, có khi 8 - 9 tiếng đồng hồ. Nhưng bộ đội Trường Sơn vẫn chịu đựng, kiên cường bám đường, nhiều người hy sinh anh dũng. Nhờ vậy, giữa tuyến lửa, con đường vận tải vẫn ngày càng mở rộng, đáp ứng yêu cầu ngày càng nóng bỏng của tiền tuyến lớn miền Nam, chiến trường Lào và Campuchia.
Cả Trường Sơn vào trận
Với tuyến vận tải Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, miền Bắc đã chi viện bảo đảm lực lượng, vũ khí, lương thực, thực phẩm cho các chiến trường, góp phần quan trọng vào thành công của các chiến dịch lớn như: Mậu Thân 1968; Chiến dịch Khe Sanh - Hướng Hóa; Chiến dịch Thành cổ 81 ngày đêm tại Quảng Trị; Bẻ gãy chiến dịch Lam Sơn 719 tại chiến trường Đường 9 - Nam Lào của kẻ địch; Chiến dịch Tây Nguyên, tạo tiền đề để quân và dân ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh đánh đổ Ngụy quyền, thống nhất đất nước... Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12, tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Trường Sơn, qua tuyến đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu...
Trên cơ sở thế trận chi viện chiến lược Trường Sơn đã triển khai toàn diện, vững chắc, Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận được chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Cả Trường Sơn được huy động vào trận. Trên khắp các nẻo đường từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam của dãy Trường Sơn ra trận nườm nượp xe, người, súng pháo, chở quân, chở hàng… tiến về phía Nam. Các lực lượng bộ đội Trường Sơn đã bảo đảm cầu đường, hậu cần - kỹ thuật và cơ động các binh đoàn chủ lực thần tốc vượt lộ trình hàng ngàn kilomét, kịp thời thực hiện một chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc.
Theo Thiếu tướng Võ Sở, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, 6 Sư đoàn (gồm 2 sư đoàn công binh, 1 sư đoàn phòng không, 1 sư đoàn bộ binh và 2 sư đoàn ô tô) của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã phối hợp chiến đấu cùng với các quân đoàn chủ lực trên nhiều hướng. Lực lượng công binh Trường Sơn đã khôi phục và bắc hàng trăm cây cầu bị địch phá hoại trước khi rút chạy, bảo đảm cho các đơn vị hành quân thần tốc tiến về Nam dọc Quốc lộ 1. Lực lượng xe của 2 Sư đoàn ô tô vận tải chiến đấu 571 và 471 Bộ đội Trường Sơn trước Chiến dịch đã cơ động thần tốc Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 và Quân đoàn 3 vào thẳng chiến trường Nam Bộ an toàn tuyệt đối. Theo tính toán của các chuyên gia quân sự đối phương, muốn tập trung một lực lớn tấn công Sài Gòn, “Việt cộng” phải cần thời gian ít nhất là 2 - 3 tháng. Nhưng chỉ trong hơn 10 ngày, các quân đoàn chủ lực của ta đã có mặt, áp sát Sài Gòn, gây bất ngờ và hoang mang tột độ cho kẻ địch...
Lực lượng vận tải còn lại của Sư đoàn 471 đã vận chuyển ngày đêm hàng nghìn tấn đạn hỏa lực bổ sung đưa thẳng vào kho của Chiến dịch. Hàng nghìn chiến xa của Bộ đội Trường Sơn đã trở thành lực lượng cơ động bộ binh đi cùng xe tăng, thiết giáp của các Quân đoàn chủ lực đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, Bộ Tổng Tham mưu ngụy và chiếm Dinh Độc lập ngày 30.4.1975...
Các lực lượng bộ đội Trường Sơn đã góp máu xương, sức lực, trí tuệ, của mình, cùng toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đại tá Vũ Phúc Hậu, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 nhận định: “Bộ đội Trường Sơn đã trở thành một lực lượng gang thép, một tập thể anh hùng, hoàn thành trọn vẹn và xuất sắc sứ mệnh mà Đảng và nhân dân đã giao phó; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam - một nhân tố quyết định để đưa sức mạnh cả nước vào cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược đi đến thắng lợi hoàn toàn”.
---------------------
* Lời bài thơ “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” (Phạm Tiến Duật)