Đưa con đi khám tại Trung tâm Da liễu tỉnh Đắk Lắk, chị Phạm Xuân Phương (trú tại TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, con chị được hơn 2 tuổi nhưng đã bị mắc viêm da cơ địa từ khi bé mới 5 tháng tuổi. Lúc đầu cháu chỉ xuất hiện mảng đỏ nhỏ ở má, sau lan rộng ra khắp má kèm mụn nước gây ngứa ngáy khiến cháu ngủ không ngon giấc.
Mặc dù đã điều trị nhiều lần nhưng cứ được một thời gian là bệnh lại tái phát. Cũng không ít lần gia đình tự tìm các loại thuốc lá, thuốc được quảng cáo trên mạng bôi cho cháu nhưng bệnh vẫn không đỡ nên gia đình đưa cháu lên Trung tâm Da liễu để được bác sĩ khám, tư vấn và lấy thuốc bôi.
Theo bác sĩ Hoàng Nguyên Duy – Giám đốc Trung tâm Da liễu tỉnh Đắk Lắk, viêm da cơ địa (chàm thể tạng) là một bệnh lý phổ biến trên toàn thế giới. Bệnh gây ra bởi 4 yếu tố chính, bao gồm yếu tố di truyền, tổn thương hàng rào bảo vệ da, rối loạn đáp ứng miễn dịch và yếu tố môi trường.
Triệu chứng điển hình của bệnh là khô da, ban đỏ, ngứa tạo thành vòng xoắn bệnh lý: ngứa - gãi - ban đỏ ngứa…, làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm.
Bệnh có ba giai đoạn gồm giai đoạn cấp tính: biểu hiện là mảng hồng ban ranh giới không rõ, các sẩn và đám sẩn, mụn nước tiết dịch, không có vảy da. Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết, với các vết xước do gãi tạo vết chợt khi bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vẩy tiết vàng.
Bệnh thường khu trú ở trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân mình. Giai đoạn bán cấp các triệu chứng nhẹ hơn, da không phù nề, tiết dịch. Giai đoạn mãn tính da dày thâm do ngứa gãi nhiều, ranh giới rõ, liken hoá, các vết nứt đau.
Bác sĩ Duy nhận định, viêm da cơ địa không gây ra biến chứng nguy hiểm tới tính mạng người bệnh nhưng nếu không điều trị đúng, kịp thời sẽ khiến bệnh dễ tái đi tái lại, gây biến chứng nhiễm trùng, nhiễm vi rút và nhiễm nấm.
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính nhưng thường gặp ở trẻ nhỏ.Viêm da cơ địa là một tình trạng mạn tính, phần lớn không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được.
Bác sĩ Duy khuyến cáo, để chủ động phòng bệnh và ngăn ngừa biến chứng, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Tránh các yếu tố khởi phát hoặc làm bệnh nặng hơn bằng cách hạn chế ăn hải sản, uống rượu bia, không hút thuốc lá, tránh ăn các loại thực phẩm đã xác định gây dị ứng, giữ phòng ngủ thoáng mát, tránh tiếp xúc lông động vật, len, dạ, giảm bụi nhà, giảm stress …
Đồng thời duy trì chế độ chăm sóc da phù hợp với sản phẩm dịu nhẹ, lựa chọn và sử dụng dưỡng ẩm để tránh da bị khô gây nứt nẻ, viêm nhiễm, hạn chế tắm nước nóng để tránh kích thích da, gây ngứa và viêm, giặt quần áo bằng những sản phẩm không chứa hương liệu và chất tạo màu, tránh sử dụng hóa chất, chất tẩy rửa…Đối với trẻ nhỏ, cần vệ sinh sạch sẽ vùng da đóng bỉm, đóng tã lót để tránh chất tiết gây kích thích.
Người bệnh cũng lưu ý, cần nhẹ nhàng với da, không chà xát, cào gãi mạnh dễ gây tổn thương da nặng nề hơn. Khi tổn thương lan tỏa, không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với điều trị cần tái khám ngay. Không nên tự chẩn đoán, tự mua thuốc điều trị sẽ làm cho bệnh nặng hơn, thậm chí biến chứng vì dùng thuốc không rõ nguồn gốc.