Tờ The Times đưa tin, nhiều trường đại học ở Anh đã công bố các kế hoạch cắt giảm chi phí bao gồm giảm nhân sự và giảm số lượng ngành học.
Gần đây Chính phủ Anh đưa ra các cải cách giáo dục đại học nhằm ngăn chặn tình trạng cấp bằng “lừa đảo” và đảm bảo thị thực sinh viên được sử dụng cho mục đích giáo dục thay vì nhập cư; Sinh viên nước ngoài không lấy bằng nghiên cứu hiện bị cấm mang theo gia đình. Ngoài ra, ngài James Cleverly, Bộ trưởng Nội vụ, đề nghị loại bỏ thị thực cho phép sinh viên làm việc ở Anh trong hai hoặc ba năm sau khi tốt nghiệp.
Do những thay đổi đó, hiện tại, sinh viên nước ngoài tới Anh du học phải đối mặt với đội ngũ giảng viên sụt giảm cả về số lượng và chất lượng; Ít lựa chọn về ngành học vì các trường đại học phải vật lộn để cắt giảm chi phí do giảm số lượng sinh viên quốc tế có tiềm năng kinh tế.
Nhiều lãnh đạo trường đại học cho biết trường của họ lên kế hoạch ngừng giảng dạy một số môn học và sa thải bớt giảng viên, vì việc mất 1/3 số sinh viên quốc tế có nguy cơ khiến trường rơi vào tình trạng khó khăn.
Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nigeria đã dẫn đến số lượng sinh viên đi du học Anh sụt giảm trong khi sinh viên Ấn Độ cũng bị cản trở vì Chính phủ Anh siết chặt việc cấp thị thực. Nhiều trường đại học cho biết việc phá sản hoàn toàn có thể xảy ra khi cứ 10 trường đại học thì lại có 1 trường phải giảm nhân sự.
Học phí của các trường đại học ở Anh hầu như không thay đổi trong hơn một thập kỷ. Hầu hết nguồn thu của các trường đại học tới từ sinh viên quốc tế, những người phải đóng học phí hàng chục nghìn bảng mỗi năm.
John Rushforth, thư ký điều hành của Ủy ban các trường Đại học Anh, cho biết: “Tôi đã làm việc trong ngành giáo dục đại học được 30 năm và lãnh đạo các trường đại học đang lo lắng hơn bao giờ hết. Việc trường đại học tuyên bố phá sản là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Một số tổ chức và trường đại học đang phải làm rất nhiều việc để ngăn chặn điều đó.
Nhận ít sinh viên bản địa hơn được coi là giải pháp cuối cùng nhưng nếu trường đại học liên tục thua lỗ thì họ buộc phải cân nhắc điều đó. Mọi thứ cần được xem xét lại vì tình hình quá nghiêm trọng.
Các trường đại học phải suy nghĩ kỹ về những gì họ muốn bảo vệ và đưa ra lựa chọn về việc từ bỏ những thứ không phải là cốt lõi. Sẽ có ít sự lựa chọn hơn cho sinh viên. Rất nhiều trường từng có nhiều khóa học đa dạng để sinh viên có thể lựa chọn nhưng nó rất tốn kém. Vì vậy, sinh viên phải quay lại các khóa học chung chung. Về cơ bản, các ngôi trường phải tăng thu nhập nếu không họ sẽ phải giảm chất lượng hoặc số lượng”.
Đại học Kent vừa tiết lộ kế hoạch ngừng 9 ngành học bao gồm triết học, ngôn ngữ đương đại và văn học so sánh.
Trường Aberdeen đang ngừng cấp bằng danh dự về ngôn ngữ trong khi Winchester ngừng nhiều khóa học nhân văn. Trường Oxford Brookes đang bỏ khoa âm nhạc và giảm chương trình của khoa lịch sử.
Người phát ngôn của Đại học North Umbria cho biết: “Tình hình tài chính của trường chúng tôi rất mạnh nhưng triển vọng tài chính hiện tại yếu hơn dự đoán. Đây là hậu quả của những khó khăn trong việc tuyển sinh viên quốc tế và tác động liên tục của lạm phát”.
Rachel Hewitt, giám đốc điều hành của MillionPlus, nhóm dành cho các trường đại học mới, cho biết: “Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nigeria gây khó khăn cho nhiều trường đại học. Lạm phát cao đã khiến thu nhập của nhiều gia đình ở Nigeria bị giảm đi và họ không thể cho con đi du học. Những cải cách khiến nước Anh kém hấp dẫn đối với sinh viên quốc tế gây thiệt hại cho cả ngành giáo dục đại học của Vương quốc Anh”.