Áp lực bảo đảm nhu cầu điện
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia cao cấp năng lượng, Thường trực Hội đồng Khoa học - Biên tập của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, nhu cầu điện sẽ tăng rất mạnh khi các hoạt động kinh tế, du lịch, giải trí, vận tải, kinh doanh, tiêu dùng được phục hồi. Có thể trong những tháng đầu năm chưa nhận thấy rõ tác động, nhưng chắc chắn những tháng sau sẽ rõ rệt hơn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn tính toán, kịch bản tăng trưởng nhu cầu điện đang tính mức trung bình là 8 - 12%, tương đương phải bổ sung 5.500 - 6.000MW mỗi năm. Trong khi đó, năm nay, nguồn cung mới không đáng kể; nguồn năng lượng tái tạo thì không ổn định. Như vậy, khó khăn đang dồn lên EVN với bài toán bảo đảm an ninh năng lượng trong bối cảnh nguồn cung ít mà nhu cầu điện tăng cao.
Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn cho biết, trong bối cảnh thế giới hiện nay, Việt Nam được xác định là một trong những điểm đến an toàn cho các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến nhu cầu điện tăng trưởng mạnh vào cuối năm nay với mức tăng có thể đạt 8 - 9%, khi toàn bộ nền sản xuất và dịch vụ đã ổn định.
Trong khi đó, nguồn cung năng lượng không có nhiều, các chuỗi dự án năng lượng tái tạo lại đa phần tập trung ở miền Trung và miền Nam, hạ tầng truyền tải chưa đáp ứng nhu cầu truyền tải từ Trung - Nam ra Bắc.
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho rằng, ngành điện đang phải đối mặt với 2 vấn đề. Thứ nhất, công suất nguồn điện Việt Nam dù đứng đầu ASEAN nhưng khi thời tiết biến động, 17.000MW điện mặt trời không phát huy được, điện gió cũng huy động được rất khiêm tốn. Đây chính là tính bất định của năng lượng tái tạo. Trong 4 tháng đầu năm 2022, năng lượng truyền thống vẫn đóng vai trò chủ chốt và quyết định trong bảo đảm cung ứng điện quốc gia. Thứ hai là giá khí, giá than nhập khẩu tăng cao khiến chi phí đầu vào vận hành hệ thống điện tăng cũng là thách thức lớn với EVN.
Giải pháp tiết kiệm năng lượng
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Trịnh Quốc Vũ, việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam chưa hiệu quả. Hiện nay, chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp Việt Nam khoảng 400 TOE mới tạo 1.000 USD/GDP. Con số này cao hơn 30% so với Thái Lan, 60% so với Malaysia, và gấp 4 - 5 lần các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, hệ số đàn hồi điện của Việt Nam giai đoạn vừa qua tuy đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn đang ở mức 1,3 - 1,4, chứng tỏ việc sử dụng năng lượng còn lãng phí.
Để đạt được các mục tiêu tiết kiệm năng lượng, thời gian tới, từ trung ương đến địa phương cần phải triển khai mạnh mẽ các giải pháp như đẩy mạnh thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; có giải pháp về tài chính hỗ trợ các dự án đầu tư công nghệ có hiệu suất năng lượng cao không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn từ khối tư nhân; thúc đẩy phát triển mô hình thị trường năng lượng… Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân thông qua tuyên truyền, nâng cao năng lực, trình độ cho các đơn vị sử dụng năng lượng.
Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, để thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP26, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là con đường duy nhất để cắt giảm nhu cầu phù hợp. Các chuyên gia cho rằng, không thể chạy theo xu hướng nhu cầu cao thì nhập khẩu nhiều, thậm chí nhập khẩu với giá rất cao. Đến khi đó, những hộ thu nhập thấp sẽ trở nên khó khăn để có thể mua điện.
Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả mới dừng lại ở việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp. Thời gian tới, cần phải chuyển sang cơ chế bắt buộc và phải được luật hóa. Đồng thời, có cơ chế tài chính trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả để tạo đòn bẩy kinh tế và thúc đẩy người dân, doanh nghiệp có tiềm lực tham gia.