Nhận diện rõ cơ hội và thách thức
Trình bày nội dung “Kinh tế - tài chính thế giới và Việt Nam năm 2022: Cơ hội, thách thức và giải pháp đối với Petrovietnam”, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho biết, theo các báo cáo nghiên cứu từ IMF và World Bank, kinh tế thế giới phục hồi nhanh trong năm 2021 (tăng 5,7%), dự kiến giảm đà tăng trưởng năm 2022 (tăng 2,9% - 3,2%); lạm phát tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 (tăng 6,2%), sau đó hạ nhiệt dần.
Trong năm 2022, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với các rủi ro, thách thức chính từ đại dịch Covid-19 còn phức tạp, khiến tốc độ hồi phục của các nền kinh tế khác nhau; địa chính trị phức tạp, đặc biệt từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine; Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Cùng với đó, giá cả, lạm phát tăng; tăng lãi suất, rủi ro tài chính tăng; lợi nhuận biên của doanh nghiệp còn bị thu hẹp. Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công vẫn là thách thức. Doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề nhân sự; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều thách thức, nợ xấu tăng.
Đối với các doanh nghiệp dầu khí như Petrovietnam, sẽ tiếp tục đối với các thách thức như giá xăng dầu khó đoán định; các dự án đầu tư, trang thiết bị dầu khí (nhất là với Nga) còn bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách chậm thay đổi, trong khi thị trường thay đổi rất nhanh. Ngoài ra, chuyển đổi năng lượng vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Tập đoàn.
Nâng cao năng lực quản trị nội bộ
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Petrovietnam cần xây dựng các kịch bản với giá xăng dầu khác nhau cũng như các giải pháp cho từng kịch bản. Đồng thời, tăng cường chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới, thích ứng, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro (tỷ giá, giá dầu khí, lãi suất…) là tất yếu.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam PGS. TS. Bùi Quang Tuấn cho rằng, trong thời gian tới, sẽ càng ngày càng đa dạng rủi ro, vì thế Petrovietnam cần chủ động đánh giá tác động của rủi ro, cơ hội và thách thức tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, để có giải pháp ứng phó phù hợp. Ngoài ra, đối mặt với rủi ro cần phải có chiến lược quản trị rủi ro tốt, Petrovietnam cần phải theo sát diễn biến, tình hình và có những dự báo tốt.
Mặt khác, Petrovietnam cần tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò, khai thác để gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác, bảo đảm phát thải đỉnh nhằm đáp ứng mục tiêu giảm phát thải theo cam kết COP26. Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị nội bộ, thực hiện tốt công tác quản trị danh mục đầu tư, xếp hạng danh mục đầu tư của từng lĩnh vực, nâng cao hiệu quả quản trị chi phí, tăng cường quản trị nguồn nhân lực chất lượng cao…
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng đề nghị, Tập đoàn và các đơn vị phải thường xuyên rà soát, đánh giá việc xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh để có điều chỉnh phù hợp với mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững Tập đoàn và đơn vị. Petrovietnam cần nhanh chóng nắm bắt các xu thế chuyển dịch năng lượng, chuẩn bị cho sự chuyển dịch sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, những lĩnh vực mà Petrovietnam có tiềm năng, thế mạnh để triển khai hiệu quả.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đề nghị, các ban chuyên môn, đơn vị trong Tập đoàn tổng hợp nội dung đã được trình bày tại tọa đàm, đưa vào xây dựng các phương án, kịch bản điều hành sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Đặc biệt, tập trung quản trị biến động, đánh giá tác động của kinh tế vĩ mô trực tiếp đến hoạt động của Petrovietnam như tỷ giá, lạm phát, lãi suất… để tăng cường hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp, triển khai thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.