Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND các địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện cùng với hàng loạt giải pháp tình thế lúc cấp bách, căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Do đó, tình trạng ùn tắc phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới cơ bản được giải quyết từ cuối tháng 6.2023 đến nay.
Tuy vậy, theo số liệu thống kê thực tế và dự báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ quý III, IV năm 2024, một số địa phương như Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh và Trà Vinh có nguy cơ bị ùn tắc phương tiện tại các Trung tâm đăng kiểm. Đặc biệt, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã xuất hiện tình trạng ùn ứ phương tiện cục bộ tại một số thời điểm.
Nguyên nhân khiến ùn tắc đang có xu hướng gia tăng được chỉ rõ là do trong các tháng tới đây, khi các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm tại các địa phương được đưa ra xét xử sẽ tác động rất lớn đến hoạt động kiểm định tại nhiều địa phương khi hàng loạt đăng kiểm viên có nguy cơ bị kết tội bằng bản án.
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP thì các Trung tâm đăng kiểm sẽ bị đình chỉ 3 tháng nếu có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên do “Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới” trong vòng 12 tháng liên tục. Điều này sẽ khiến 91 Trung tâm đăng kiểm tại 32 địa phương phải dừng hoạt động; cả nước có ít nhất 36 địa phương có nguy cơ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định.
Đặc biệt, sẽ có những địa phương không còn Trung tâm đăng kiểm để hoạt động như Bắc Kạn và Thái Bình. Việc này sẽ dẫn đến nguy cơ ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các địa phương khác do sự dịch chuyển phương tiện từ 36 địa phương trên là rất lớn.
Để kịp thời giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn đối với hoạt động kiểm định xe cơ giới trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu thiết thực của xã hội, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP của Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020)nhằm xử lý tình trạng ùn tắc tại các Trung tâm đăng kiểm trong thời gian tới.