Tạo cơ hội cho tất cả người lao động
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đáp ứng trước thực tế nhiều lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài, nhất là các thị trường có thu nhập cao, ổn định, mong muốn được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi của Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo cơ quan soạn thảo, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm bảo đảm quyền làm việc, phát triển nguồn nhân lực theo quy định của Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa quan điểm, đường lối tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; quan điểm, chủ trương, đường lối, nội dung cải cách về bảo hiểm thất nghiệp trong Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Cùng với đó, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế quy định của Luật Việc làm về hỗ trợ tạo việc làm, bảo hiểm thất nghiệp… Trong đó, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, bảo đảm các nguyên tắc về việc làm, thống nhất về các quy định liên quan cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, không phân biệt nguồn ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương, tạo cơ hội cho tất cả người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.
Dự kiến, Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không giới hạn 5 đối tượng như Luật hiện hành).

Việc mở rộng đối tượng vay vốn với lãi suất thấp hơn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ tạo cơ hội cho tất cả người lao động. Ảnh: VGP
Theo đó, dự kiến Luật Việc làm (sửa đổi) quy định đối tượng ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp hơn và bảo đảm tính linh hoạt, chủ động đối với nguồn vốn của địa phương, tổ chức, cá nhân khác ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội (địa phương, tổ chức, cá nhân ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội có thể quyết định đối tượng khác được ưu tiên lãi suất hoặc ưu tiên vay vốn ngoài các đối tượng quy định chung).
Ngân hàng chính sách xã hội cho biết, 63/63 tỉnh/thành phố và 100% các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ủy thác nguồn ngân sách địa phương cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm.
Trong đó, có cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với tổng dư nợ khoảng 38.378 tỷ đồng. Giai đoạn 2022 - 2023, có 16.066 lượt người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua khảo sát nhanh tại các địa phương cho thấy, rất nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài mong muốn được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi này.
Nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề
Xuất phát từ nhu cầu nhằm tạo cơ hội cho người lao động được tiếp cận nguồn tín dụng cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nâng cao chất lượng và số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, dự kiến Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không giới hạn 5 đối tượng như Luật hiện hành), được quy định ở khoản 1 Điều 10 và quy định đối tượng ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp hơn ở khoản 2 Điều 10.
Quy định đảm bảo tính linh hoạt, chủ động đối với nguồn vốn của địa phương, tổ chức, cá nhân khác ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội (địa phương, tổ chức, cá nhân ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội có thể quyết định đối tượng khác được ưu tiên lãi suất hoặc ưu tiên vay vốn ngoài các đối tượng quy định chung) ở khoản 3, khoản 4 Điều 10.
Theo đó, việc sửa đổi trên sẽ góp phần đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là đối với các nhóm lao động yếu thế, đặc thù, góp phần giải quyết việc làm, cũng như góp phần tăng cường quan hệ hợp tác về nhiều mặt giữa Việt Nam và nước sử dụng lao động, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến quốc tế.
Trong khi, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về nước được nâng cao kỹ năng, trình độ, góp phần thiết thực phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc tạo cơ hội cho người lao động được tiếp cận nguồn tín dụng cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ phát huy vai trò, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước về việc làm, thể chế hóa chủ trương của Đảng về tạo thuận lợi cho tất cả người lao động có cơ hội được tiếp cận và thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, nhất là cho lao động nông thôn, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong quá trình phát triển kinh tế.
Đối với người sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có cơ hội tuyển và sử dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sau khi về nước có trình độ, chuyên môn, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật tốt.
Còn với người lao động, được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, qua đó, có cơ hội được đào tạo, làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp, được nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng, tạo cơ hội trong tìm kiếm việc làm tốt hơn khi về nước hoặc có nguồn vốn để tự phát triển sản xuất kinh doanh.