Di tích chồng xếp
Từ tháng 1 - 12.2016, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Bắc di tích Đoan Môn với tổng diện tích gần 1.000m2. Theo PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ nhiệm dự án: Cuộc khai quật đã làm rõ tầng văn hóa dày xấp xỉ 4m với nhiều lớp kế tiếp nhau có niên đại kéo dài hơn 10 thế kỷ (từ thế kỷ VIII - IX đến thế kỷ XIX - XX) ở trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Nối tiếp các cuộc khai quật năm 2012, 2013, 2014, 2015, cuộc khai quật năm nay đã làm rõ cấu trúc góc Tây Nam của không gian chính điện Kính Thiên gồm có sân Đại triều, tường vây, kiến trúc hành lang thuộc 2 giai đoạn Lê Sơ và Lê Trung Hưng từ thế kỷ XV - XVIII.
![]() | |
Các nhà khoa học thăm hiện trường khai quật | Ảnh: Ng.Phương |
Mặc dù các hố đào còn rất nhỏ, các di tích thường chồng xếp, cắt phá rất phức tạp nhưng trong nghiên cứu vẫn góp phần nhận diện rõ thêm một bước kiến trúc tổng thể của khu vực Trung tâm thông qua các thời trên những nét lớn: Lần đầu làm rõ móng tường thời Nguyễn ở Đoan Môn được dựng lên trên cơ sở tận dụng và thu hẹp móng tường Đoan Môn thời Lê Trung Hưng. Với thời Lê Trung Hưng, tiếp tục làm rõ dấu tích móng tường phía Nam của Cấm thành; dấu tích chân móng và móng của Đoan Môn; dấu tích sân Đan Trì lát gạch vồ màu xám... Làm rõ 2 tầng văn hóa, 2 hệ thống kiến trúc và di vật thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Với dấu tích thời Trần, tiếp tục làm rõ đường nước lớn chạy sát và dưới móng tường nam Cấm Thành thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng.
Đặc biệt, một phần không gian kiến trúc thời Lý được phát lộ, dạng kiến trúc hành lang chạy dài theo hướng Đông - Tây và có thể kết nối theo hướng Bắc - Nam. Do vậy, có thể dự đoán kiến trúc Lý ở đây có kiến trúc cổng lớn ở trục chính tâm và kiến trúc hành lang năm nay có thể phát triển về phía Quảng trường Đoan Môn bao quanh khu vực Trung tâm phía trước Đoan môn. Kiến trúc Lý tiếp tục quy mô, phương vị với tổng thể kiến trúc của khu Trung tâm và khu 18 Hoàng Diệu, điều này cho thấy rõ quy hoạch tổng thể kiến trúc Thăng Long thời Lý.
Theo PGS.TS. Bùi Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học: Thực hiện khuyến nghị của UNESCO, nhiều năm qua, Viện và Trung tâm tiến hành khai quật tại điện Kính Thiên. Mỗi mùa khai quật mang lại những nhận thức mới trong bảo tồn, nghiên cứu và phát huy di sản Hoàng thành Thăng Long, từng bước tiệm cận những điều khoa học hơn. Các phát hiện khảo cổ năm 2016 tiếp tục cho thấy sự phong phú, phức tạp của các di tích thuộc khu vực không gian chính điện Kính Thiên, và góp phần làm rõ thêm các giá trị to lớn, phong phú, đa dạng với ba tiêu chí nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
![]() | |
Di vật thời Lý được phát hiện trong cuộc khai quật năm 2016 | Ảnh: Ng.Phương |
Không khai quật ồ ạt
“Trong 8 di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO vinh danh, Hoàng thành Thăng Long là di sản có nhiều phát hiện mới, đặc biệt là các phát hiện trên trục trung tâm giữa Đoan Môn và điện Kính Thiên. Các cuộc khai quật khảo cổ ngày càng giúp nhận diện nhiều điểm đặc biệt, làm phong phú và sâu sắc thêm giá trị di sản”. GS. Lưu Trần Tiêu |
Từng khai quật khảo cổ ở Hoàng thành Huế, Lam Kinh, PGS.TS. Phạm Quốc Quân nhận định: Di sản Hoàng thành Thăng Long phức tạp hơn nhiều, như ma trận với di tích chồng di tích, lớp văn hóa chồng lớp văn hóa, thể hiện ở trung tâm Thủ đô luôn có biến động. Nếu kết nối được các kết quả khai quật, diện mạo khu vực sẽ được nhận diện đầy đủ hơn. Còn theo ông Nguyễn Quốc Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo: "Qua khai quật lần này cho thấy, tốc độ khai quật có lẽ phải tăng lên. 13 năm qua, tốc độ khai quật chậm, cản trở khá nhiều việc nhận xét quy hoạch tổng thể của Hoàng thành. Điện Kinh Thiên lớn thế, nếu cứ mỗi năm khai quật 1.000m2 thì 20 năm sau mới xong".
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vì kiến trúc chồng đè lên nhau, nếu tăng tốc không cẩn thận sẽ phá di sản. Cùng với khai quật, còn phải chú ý bảo tồn tại chỗ. GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử Việt Nam cho rằng: "Qua các cuộc khai quật, không gian điện Kính Thiên dần dần hiện lên càng ngày càng rõ nét. Nhưng không thể khai quật ồ ạt. Việc mở rộng diện tích khai quật phải dựa trên kế hoạch cụ thể, không chỉ căn cứ vào kinh phí, mà còn dựa trên năng lực của đội ngũ khảo cổ học. Việc khai quật bên cạnh làm cơ sở cho phục dựng không gian điện Kính Thiên; còn nhằm nghiên cứu, đi tới bảo tồn lâu dài, do đó, song song với khai quật, phải lập hồ sơ khoa học chu đáo, tiến tới số hóa di vật để sử dụng lâu dài. Sau nhiều năm khai quật, đã đến lúc nên nối kết lại các kết quả, tư liệu. Nếu đi sâu vào từng bộ phận mà không tính đến tổng thể thì các nghiên cứu sau này sẽ hạn chế về cơ sở khoa học". Khai quật ở khu Trung tâm còn nhằm mục tiêu chung nâng cao nhận thức về Cấm thành Thăng Long qua từng thời kỳ, nên phải có báo cáo thường xuyên với UNESCO, nhà nước và cộng đồng dân cư. Di tích Hoàng thành đặc biệt quý giá, nhưng quảng bá chưa tốt, nên chưa thu hút sự quan tâm của nhân dân, khách du lịch.
Dựa trên những góp ý của các nhà khoa học, ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, bên cạnh xây dựng kế hoạch khai quật, bảo tồn di sản cho các năm sắp tới, Trung tâm sẽ mở cửa hố khai quật năm 2016 đón khách thăm quan ngay dịp Tết nguyên đán sắp tới. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình miễn phí Giáo dục di sản, Em làm nhà khảo cổ cho học sinh các trường trên địa bàn Thủ đô để giúp công chúng, đặc biệt là lớp trẻ hiểu hơn về di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long.