
Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long 1010 thì năm 1070, Văn Miếu – Quốc Tử Giám được dựng lên như trường đại học Nho giáo đầu tiên của các triều đại phong kiến. “Năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) đời Lý Thánh Tông mùa thu tháng 8 dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối, vẽ tranh Thất thập Nhị Hiền bốn mùa cúng tế, Vua cho Hoàng Thái tử đến học ở đó”. Trải qua các triều đại Lý – Trần – Hồ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn là nơi thờ tự các vị thánh hiền và là trường học Nho giáo của hoàng gia.
Đánh đuổi xong quân xâm lược, Lê Thái Tổ lập lại việc học tập ngay trong năm lên ngôi (1428), xuống chiếu “dựng nhà học, dạy dỗ nhân tài, trong Thăng Long có Quốc Tử Giám, bên ngoài có nhà học ở các phủ. Vua thân hành chọn con cháu các quan và thường dân tuấn tú bổ sung vào học sinh các cục chầu cận, chấn ngự ở triều và sung vào giám sinh ở Quốc Tử Giám”. Trong vòng 6 năm ở ngôi vua, Lê Thái Tổ đã cho tổ chức 4 khoa thi tuyển chọn người tài ra làm quan, xây dựng đất nước sau 10 năm kháng chiến chống quân xâm lược. Nhưng đến đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), sau 37 năm làm vua, văn bia Quốc Tử Giám mới được dựng lên. Trong sách của Trung tâm Hoạt động Văn Miếu - Quốc Tử Giám ghi rõ: “Sau khi lên ngôi, Thái Tông xuống chiếu định phép thi và quy định các đạo trong nước phải tổ chức thi Hương xong mới chọn ra sỹ tử đỗ thi Hương về thi Hội ở sảnh đường tại kinh đô, ai thi đỗ sẽ được ban danh hiệu Tiến sỹ xuất thân”.

Việc dựng bia đá để ghi nhớ các sự kiện, các nhân vật, nhiều nước đã có từ lâu, nhưng dựng bia tiến sỹ thì ở Thăng Long là đầu tiên (ngày 4.9.1484). Vua Lê Thánh Tông cho dựng 10 bia đầu tiên trong khu vườn trước cửa Đại Thành trong khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong đó, bia số 1 ghi lại câu nói nổi tiếng truyền đến đời nay: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu và thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sỹ vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp”.
Khoa thi Nhâm Tuất Đại Bảo thứ 3 (1442) là khoa thi đầu tiên được dựng bia. Kỳ thi này có 450 người thi. Quan đề điệu (Quan đứng đầu chịu trách nhiệm toàn bộ công việc của trường thi) là Thượng thư Tả bộc xạ Lê Văn Linh đã cùng với bá quan trong hội đồng thi trình vua chọn được 3 người Đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệå å(một Trạng nguyên, một Bảng nhãn, một Thám hoa), 7 người Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp), 23 người Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân (ông Tiến sỹ). Tất cả đều được ghi tên trên bia đá.
Chủ trương của Lê Thánh Tông về việc dựng bia tôn vinh các trí thức cho học bậc đại khoa là một sáng tạo lớn. Việc cho dựng bia Tiến sỹ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là để “người trông vào thấy được điều mẫu mực mà theo, cũng thấy được điều răn đe mà tránh”. Các nho sinh không chỉ được học về Tứ thư, Ngũ kinh, Nam sử, Bắc sử... mà còn được giáo dục đầy đủ đạo lý làm người, tận trung với nước, có ích với dân, nhìn thấy tên mình trên bia đá mà răn mình. Nhiều tiến sỹ có tên trên văn bia đã trở thành những danh nhân nổi tiếng trong lịch sử đất nước như: Lê Quý Đôn, Ngô Sỹ Liên, Lương Thế Vinh...
Trong số 82 bia còn tồn tại đến ngày nay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thời Lê Sơ có 13 bia, thời nhà Mạc 1 bia, thời Lê Trung Hưng 68 bia, khắc tên 1.370 tiến sỹ. Ngoài giá trị nội dung, các tấm bia được khắc dựng công phu, có giá trị cao về nghệ thuật điêu khắc và thư pháp. Ngày nay, cả vườn bia đã trở thành một di tích văn hóa nổi tiếng của dân tộc, được các tầng lớp nhân dân trân trọng và ngưỡng mộ, là một trong những điểm tham quan văn hóa lịch sử hấp dẫn nhất ở Hà Nội.