
Nhà văn muốn dựng lại bức tranh sử thi về một giai đoạn lịch sử đầy bi tráng của dân tộc 30 năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mà nhân vật trung tâm là đất và người Yên Thế ngoan cường, hồn hậu, thủy chung, đầy tình nghĩa, là người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám mưu trí thao lược, quả cảm, khiến thực dân Pháp phải khiếp sợ, kính nể. Để thực hiện tâm huyết này, hòa bình lập lại, Nguyên Hồng quyết định giã từ Hà Nội, trở về với mảnh đất thiêng. Và ấp Cầu Đen, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên là nơi ông lựa chọn – nơi mở cửa ra là thấy toàn cảnh núi rừng Yên Thế năm xưa.
Không chỉ sống, gắn bó với đất và người Yên Thế, để thực hiện cuốn tiểu thuyết lịch sử này, ngoài việc tìm đọc các loại sách báo, tài liệu, Nguyên Hồng thường xuyên đi thực địa, có khi hàng tháng, lúc Tuyên Quang, Hà Giang, khi Thái Nguyên, Vĩnh Phúc..., cứ thế ròng rã mấy chục năm liền, nhà văn đi khắp các núi non, sông suối, xóm xã, ấp trại, đồn luỹ - những nơi có dấu tích của nghĩa quân Đề Thám năm xưa.
Quá trình thai nghén Núi rừng Yên Thế tương đối dài. Bóng dáng đất và người Yên Thế được bắt đầu từ năm 1948, qua truyện ngắn âËp đồi cháy, rồi đến Chuyện cái xóm tha hương ở cửa rừng suối cát và con hổ mồ côi năm 1960. Đặc biệt, bài thơ Hoàng Hoa Thám quê xưa năm 1960 được coi là dàn ý, khung sườn cho bộ tiểu thuyết, để rồi chương truyện đầu tiên của Núi rừng Yên Thế được khởi bút vào đêm 31.7.1977, tại Hải Phòng.
Nguyên Hồng xây dựng tiểu thuyết lịch sử Núi rừng Yên Thế với tư tưởng đây là cuộc chiến tranh nhân dân theo đường lối trường kỳ kháng chiến. Khác với các tác giả cùng viết về đề tài này trước đó, Nguyên Hồng xây dựng tác phẩm theo hướng: cuộc khởi nghĩa Yên Thế nổ ra là tất yếu, là đúng với quy luật lịch sử. Nó là sự tổng hợp của ý chí, của sức mạnh toàn dân, quyết đứng lên bảo vệ quyền sống, quyền tự do của con người. Lấy quần chúng nhân dân làm nhân vật trung tâm, nhà văn không chỉ thể hiện niềm yêu mến với con người Yên Thế mà quan trọng hơn, tác giả đã hiểu thấu đáo sức mạnh vô địch, tiềm tàng trong quần chúng nhân dân lao động. Nguyên Hồng cũng chủ đích đưa các thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa như Đề Nắm, Đề Thám cùng các nhân vật phản diện như Bá Phước, Đề Sặt... vào tác phẩm...
Tiếc thay, nhà văn đột ngột ra đi vào chiều ngày 2.5.1982 giữa những trang viết Núi rừng Yên Thế dang dở. Kết cục những số phận, những mảnh đời của bao nhân vật mà nhà văn khắc khoải, ao ước, nung nấu đã vĩnh viễn đi cùng tác giả sang thế giới siêu linh. Mặc dù vậy, hơn 600 trang nghệ thuật Núi rừng Yên Thế là minh chứng cho quá trình sáng tác công phu, cẩn trọng, sự sáng tạo dường như không có bến bờ của nhà văn Nguyên Hồng.
Năm 1993, với sự hoàn thiện bản thảo của Nguyễn Vũ Giang, con trai thứ hai của Nguyên Hồng, Hội Văn nghệ Hà Bắc đã in toàn bộ các chương đã viết xong của tập II Núi rừng Yên Thế (tập I Thù nhà nợ nước đã được Nguyên Hồng hoàn thành và xuất bản năm 1981). Năm 2005, trong bộ sách Tác phẩm văn học được giải thưởng Hồ Chí Minh của tác giả Nguyên Hồng, NXB Văn học đã in trọn vẹn cả hai tập của Núi rừng Yên Thế.