Sau khi Bộ Thông tin và truyền thông phát đi thông tin sẽ khóa 1 chiều với những sim điện thoại trả trước và chưa chuẩn hóa thông tin chính chủ. Tuy nhiên, do không tìm hiểu kỹ nội dung thông báo trên nên nhiều chủ thuê bao, dù không thuộc diện có thể bị thu hồi, vẫn đổ xô đến các điểm giao dịch.
Ghi nhận tại điểm giao dịch Vinaphone 57A Huỳnh Thúc Kháng, hàng trăm người đến xếp hàng để chờ đến lượt hoàn thiện thủ tục theo yêu cầu của ngành thông tin truyền thông. Em Phạm Đức Kiên, Sinh viên Đại học Y Hà Nội cho biết, em đến hơi muộn nên khả năng sẽ phải chờ lâu mới đến lượt mình. Kiên đến điểm giao dịch ngày hôm nay do mới được cấp căn cước công dân nên thuộc đối tượng phải chuẩn hóa thông tin.
Theo giao dịch viên Vinaphone, khoảng 1 tuần nay số lượng người đến đây ngày càng đông. Đa số đều yêu cầu cung cấp thông tin số điện thoại của mình sau khi nhận được thông báo từ… báo đài. Tất cả đều lo lắng cho số phận sim điện thoại của mình.
Tình trạng đông đúc cũng xảy ra tại điểm giao dịch của Viettel tại địa chỉ 92 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân. “Do thông tin đại chúng truyền thông chưa rõ nên cả những chủ thuê bao trả sau cũng đến, dẫn đến tính trạng đông đột biến. Điều này khiến giao dịch viên mất thêm một động tác kiểm tra thuê bao trả trước hay trả sau, và làm thời gian giao dịch của khách hàng lâu hơn,” giao dịch viên Viettel giải thích.
Theo quy định, một căn cước công dân không được đăng ký quá 3 số điện thoại. Và đợt chuẩn hóa này mục tiêu chính là ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn từ sim rác, sim không chính chủ. Việc rà soát cũng để đảm bảo trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hoạt động cần thiết, phải có sự tham gia, phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng SIM điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định thực hiện hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hoá, trái với thuần phong mỹ tục…
Đại diện Viettel cũng cho biết, những thuê bao thuộc diện cần chuẩn hóa thông tin sẽ nhận được 1 tin nhắn/ngày trong 5 ngày liên tiếp để nhắc nhở. Sau đó, nếu chủ thuê bao không có động thái thì nhà mạng sẽ khóa thuê bao một chiều vì không chuẩn hóa thông tin cá nhân, và sau 2 tháng mới khóa hai chiều.
Cục Viễn thông cũng lưu ý nhà mạng trong quá trình chuẩn hóa dữ liệu cần tuyên truyền đến người dùng, tránh việc kẻ xấu lợi dụng nhắn tin với nội dung tương tự để lừa đảo, đánh cắp thông tin. Người dân cần biết thêm thông tin chi tiết có thể truy cập vào các trang web hoặc gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để được hướng dẫn.
Theo Nghị định 49 của Chính phủ về lĩnh vực viễn thông di động đã quy định rõ về việc chuẩn hóa thông tin thuê bao. Với các thuê bao có thông tin thuê bao chưa chính xác, không đúng theo như thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người dân cần mang căn cước công dân ra nhà mạng hoặc sử dụng ứng dụng của nhà mạng để chuẩn hoá, xác thực thông tin thuê bao.