Những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng

Người đàn bà xa lạ

Xinh đẹp, lạnh lùng nhưng quyến rũ, Chân dung người đàn bà xa lạ (Portrait of an unknown woman) khiến cho tên tuổi của Ivan Nikolaevich Kramskoi lừng lẫy trong hội họa Nga cuối thế kỷ XIX. Bức tranh này còn được xếp vào danh sách 10 bức chân dung nổi tiếng nhất thế giới.

Với góc nhìn hơi chếch từ dưới lên, chân dung người đàn bà với chiếc mũ Fransisk gắn lông chim ngồi trên chiếc xe ngựa hở mui đi trên cầu Anichkov qua sông Fontanka, ở Saint - Petersburg hiện ra với dáng vẻ kiêu kỳ. Không chỉ gây tò mò bởi vẻ kiêu kỳ nhưng lại có phần nhẫn nhịn ở gương mặt thanh tú, môi mím nhẹ, đầu ngẩng cao, mà chính biệt danh “xa lạ” đã khắc dấu ấn khó phai với hầu hết những người từng xem tác phẩm này.

Được sáng tác năm 1883, khi Kramskoi ở đỉnh cao sự nghiệp sáng tạo, bức tranh đã gây ra không ít tranh luận trong giới phê bình. Cho đến nay vẫn không ai chắc chắn về nhân vật nữ này ai. Chính tác giả bức tranh cũng giữ im lặng về bà trong triển lãm ra mắt lẫn nhật ký để lại của ông, càng khiến cho công chúng tò mò hơn. Đã có không ít phỏng đoán về thân phận của phụ nữ bí ẩn này. Một số cho rằng bà là gái điếm thời thượng trong xã hội Nga bấy giờ. Nhưng số khác lại thiên về giả thuyết bà chính là hình mẫu cho nhân vật của tiểu thuyết Anna Karenina của Lev Tonstoy - một đại văn hào Nga, cũng là bạn chí cốt của Ivan Nikolaevich Kramskoi. Một đoạn trong tiểu thuyết này đã mô tả cảnh tượng khá lãng mạn khi họa sỹ vẽ chân dung cho Karenina như càng củng cố niềm tin đó. Một hình mẫu người đàn bà quý tộc trên chiếc xe mui trần - biểu tượng cho câu chuyện khởi lên từ chuyến đi mà bánh xe lịch sử đã không quay ngược lại, được khắc họa bằng bút pháp hiện thực thiên tài.

Người đàn bà xa lạ (Portrait of an Unknown Woman), sơn dầu của Ivan Nikolaevich Kramskoi, khổ 99x75,5cm, sáng tác năm 1883, đang lưu giữ tại Bảo tàng Tretyakov, Nga
Người đàn bà xa lạ (Portrait of an Unknown Woman), sơn dầu của Ivan Nikolaevich Kramskoi, khổ 99x75,5cm, sáng tác năm 1883, đang lưu giữ tại Bảo tàng Tretyakov, Nga
Bức tranh quyến rũ có lẽ còn do lối bố cục của họa sỹ. Kramskoi vẽ người đàn bà ngồi trong một tư thế vừa vững chãi nhưng lại rất chông chênh. Bà như bị cắt ra thành một mảng sẫm phía tiền cảnh. Đối lập với khoảng trắng đằng sau là bầu trời tuyết trắng phủ dày lên những căn nhà. Ông như cố tình khắc lên xung quanh bà một đường viền rõ nét, tạo cảm giác trơ trọi với tư thế hơi co mình lại. Chiếc áo choàng lông thú Skobelev sẫm màu, dải lụa xanh, cổ tay vòng vàng, găng tay da thuộc loại mỏng, như càng làm tăng thêm độ tương phản giữa cái rét buốt và hành trình. Cảm giác về điều gì đó không phù hợp với khuôn vàng thước ngọc của những phụ nữ quý tộc thời đó như gờn gợn. Nó được tạo nên bởi chính hội họa chứ không phải sự liên tưởng về Karenina. Trong ánh nhìn của bà, một sự thách thức cả xã hội lẫn số phận của chính mình như nhen lên.

Về hội họa, bức tranh này đã tạo một giá trị khác biệt trong nghệ thuật vẽ chân dung. Hình tam giác cân - chuẩn mực của hội họa cổ điển đã bị đẩy lệch về phía bên tay phải. Sự phá cách còn thể hiện bởi khung cảnh thiên nhiên - điều đã được ghi nhận từ thời Leonardo da Vinci ở bức Monalisa, nhưng cái lạnh lẽo vô chừng lại là chuyện khác. Nó tạo nên sự ám ảnh mà hầu hết những tác phẩm chân dung trước đó chưa bao giờ có. Nét đài các kiêu ngạo của giới thượng lưu Nga như được khắc họa, như không dễ gì thay đổi, nhưng sự “sa ngã” đầy bản tính người mà nhân vật Karenina đã vận vào bức tranh, làm nên giá trị nhân văn của một thời đại mới. Sự cương tỏa của những định chế giả dối của xã hội phải thay đổi với thông điệp về nữ quyền.

Có thể nói bức tranh này của Kramskoi đã tạo ra một giá trị khác bằng hội họa với bút pháp hiện thực cổ điển. Nó là một trong mười tác phẩm chân dung nổi tiếng nhất thế giới và là chủ đề cho rất nhiều tác phẩm của hội họa POP ART thế kỷ XX, khởi nguồn từ thông điệp này.

Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.