Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều bộ luật, luật, văn bản dưới luật điều chỉnh về tư pháp hình sự đối với NCTN. Từng bước hình thành pháp luật về tư pháp NCTN. Các chính sách hình sự cơ bản theo hướng khoan hồng. Một số thủ tục tố tụng, biện pháp giám sát, giáo dục, thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng đặc thù áp dụng đối với NCTN đã được ban hành.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện cũng cho thấy, hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến NCTN cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Hệ thống hình phạt chưa phù hợp với độ tuổi, đặc điểm, tính chất hành vi phạm tội của NCTN. Một số hình phạt không có sự phân hóa giữa NCTN và người trưởng thành. Các biện pháp giám sát, giáo dục đã được quy định nhưng hầu như không được áp dụng, thiếu tính khả thi và còn nhiều bất cập. Các biện pháp xử lý chuyển hướng còn ít và mang tính hình thức, thiếu cơ chế phục hồi cho NCTN. Ngoài ra, thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, khả năng nhận thức và sự phát triển của NCTN. Nhiều quy định chưa bảo đảm được lợi ích tốt nhất cho NCTN; thiếu thiết chế bảo vệ NCTN là bị hại, người làm chứng...
Theo Tòa án Nhân dân Tối cao, từ thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự có NCTN tham gia cho thấy, thủ tục giải quyết còn rườm rà, thời gian giải quyết còn dài. Quan điểm xử lý người chưa thành niên phạm tội vẫn còn nặng về răn đe, áp dụng hình phạt mà chưa xác định việc trừng phạt chỉ nên được sử dụng như là biện pháp cuối cùng; chưa chú trọng tạo cơ hội cho NCTN phạm tội sửa chữa, cải thiện hành vi. Nguồn lực đầu tư cho việc chăm sóc, bảo vệ NCTN trong hoạt động tố tụng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Những hạn chế này là một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng tỷ lệ NCTN vi phạm, tái phạm vẫn còn cao và có xu hướng gia tăng.
Ngoài ra, các quy định pháp luật về NCTN của chúng ta chưa nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đơn cử, theo quy định tại Điều 40 Công ước quốc tế quyền trẻ em, Việt Nam còn chưa quy định đối tượng người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được quyền trợ giúp pháp lý miễn phí; chưa hình thành các cơ quan, tổ chức riêng dành cho trẻ em mà mới chỉ thiết lập một phần tại tòa án - Tòa gia đình và người chưa thành niên...
Để khắc phục những hạn chế, bất cập này, khi xây dựng dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, cơ quan soạn thảo đã quy định các nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ NCTN trong tư pháp hình sự như: bảo đảm lợi ích tốt nhất của NCTN; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; đối xử bình đẳng; hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Dự thảo Luật cũng xây dựng chế định xử lý chuyển hướng thay thế cho hình phạt áp dụng đối với NCTN phạm tội. Khuyến khích NCTN chấp hành tốt để được chấm dứt trước thời hạn việc thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng.
Dự thảo Luật đã đổi mới quy trình thủ tục tố tụng theo hướng thân thiện hơn; bảo đảm đặc thù, phù hợp với NCTN từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố đến xét xử. Đặc biệt, dự thảo Luật đã tách bạch 2 thủ tục tố tụng cho 2 nhóm đối tượng là: thủ tục tố tụng đối với NCTN bị buộc tội và thủ tục tố tụng đối với NCTN là bị hại, người làm chứng. Việc tách bạch 2 quy trình này là tiến bộ và cần thiết, phù hợp với 2 nhóm đối tượng có tư cách tố tụng, quyền và nghĩa vụ khác nhau.
NCTN là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tình cảm, nhận thức; thiếu kiến thức xã hội, pháp luật; hành động cảm tính, manh động; khó kiểm soát cảm xúc; hạn chế trong việc phòng, tránh rủi ro và các hành vi nguy hiểm. Đây là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội nên cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự.
Do đó, những chính sách về tư pháp hình sự đối với NCTN cần có tiếp cận chuyên biệt, phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của các em. Với NCTN thì việc xử lý cần hướng tới mục đích chính là giáo dục, cải tạo, giúp đỡ các em tự sửa chữa sai lầm, cải thiện nhận thức và hành vi, trở thành công dân tốt cho xã hội. Việc áp dụng biện pháp mang tính “trừng phạt” chỉ nên được sử dụng là biện pháp cuối cùng.