Từ chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy
Đấu tranh vũ trang của ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp đi từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy. Khi xuất hiện chiến tranh chính quy - tác chiến tập trung đánh lớn của bộ đội chủ lực - thì việc kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích là nội dung cơ bản của nghệ thuật phát động toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) làm nòng cốt. Đây cũng là một quy luật của đấu tranh vũ trang và chiến tranh cách mạng Việt Nam.
Chiến tranh du kích trong kháng chiến chống Pháp phát triển mạnh mẽ về nội dung, phong phú, đa dạng về hình thức đánh địch. Quân và dân ta dùng tác chiến du kích, đánh địch ngay tại địa phương mình, bằng mọi thứ vũ khí, tiến công địch ở mọi nơi, mọi lúc khi chúng chiếm đóng, hành quân càn quét, ở các vị trí, đồn bốt…; đánh phá phương tiện, cơ sở vật chất, hậu cần của chúng... Chiến tranh du kích đã phát huy vai trò và tác dụng to lớn trong việc tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, gây cho địch những tổn thất và khó khăn thường xuyên, liên lục, ngày càng nghiêm trọng cả về quân số, vũ khí, phương tiện; làm cho tinh thần quân địch luôn căng thẳng, hoang mang, dao động. Nhưng muốn đưa chiến tranh cách mạng phát triển, phải xây dựng bộ đội chủ lực lớn mạnh về mọi phương diện, đưa chiến tranh du kích phát triển lên chiến tranh chính quy. Nhận rõ quy luật này, ta đã tập trung và từng bước xây dựng bộ đội chủ lực và không ngừng nâng cao khả năng, quy mô tác chiến của bộ đội chủ lực, thực hiện đánh tiêu diệt địch từ trung đội, đại đội tiến lên tiêu diệt tiểu đoàn và nhiều tiểu đoàn địch; từ đánh tiêu diệt từng đồn bốt, cứ điểm, cụm cứ điểm đến tập đoàn cứ điểm, lớn nhất là tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
![]() Tranh cổ động của Lưu Yên Thế - Hà Nội |
Xác định hướng tiến công đúng
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo quy luật đánh thắng địch từng bước, làm thất bại từng kế hoạch chiến lược, tiến lên đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của chúng. Trên cơ sở phán đoán, nắm bắt các yếu tố chiến lược và đánh giá kế hoạch chiến lược của địch trong từng thời kỳ, ta đã định ra kế hoạch thích hợp, lần lượt làm thất bại từng âm mưu trong các kế hoạch đó dẫn đến làm phá sản hoàn toàn các kế hoạch của quân Pháp.
Ta đã chọn mục tiêu và hướng tiến công chính xác, đồng thời chỉ đạo các chiến trường phối hợp chặt chẽ, nên đã giành thắng lợi. Sau thắng lợi của chiến dịch phản công Việt Bắc trong Thu Đông 1947, đánh bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, nhận thấy vùng sau lưng địch có nhiều sơ hở, ta đẩy mạnh chiến tranh du kích trong các vùng địch tạm chiếm, mở ra hướng tiến công chiến lược khá nguy hiểm trong lòng địch, làm cho địch lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan và bị sa lầy trong thế trận chiến tranh nhân dân. Đến Thu Đông năm 1950, trên cơ sở lực lượng bộ đội chủ lực phát triển, ta mở chiến dịch tiến công quy mô cấp đại đoàn ở biên giới Việt - Trung, trên địa bàn các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, phá tan thế bị địch bao vây, tạo bước ngoặt chuyển biến cuộc kháng chiến của ta từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy ở trình độ cao hơn.
Trong Đông Xuân 1953 - 1954, bằng nhiều đòn tiến công chiến lược trên hầu khắp các chiến trường vùng rừng núi ở cả ba nước Đông Dương, đặc biệt là ở hướng Tây Bắc Bắc bộ, mà Điện Biên Phủ là trung tâm, ta đã tiêu diệt, làm tan rã gần 1/4 lực lượng cơ động chiến lược của địch. Nhờ hạ quyết tâm chiến lược chính xác, tập trung nỗ lực lớn nhất của cả nước, nên Đông Xuân 1953 - 1954, quân và dân ta đã làm nên đại thắng lợi vớái trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
Chọn đúng hình thức tác chiến
Nghệ thuật quân sự của ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp là nghệ thuật vận dụng sáng tạo các hình thức tác chiến và thủ đoạn chiến thuật, là nghệ thuật xác định cách tổ chức và sử dụng lực lượng thích hợp để đánh bại mọi biện pháp tác chiến và chiến thuật của địch. Thực tế lịch sử cho thấy, trong những năm đầu kháng chiến, ta đẩy mạnh chiến tranh du kích bằng các đội vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung rồi từng bước đẩy mạnh vận động tiến tới dần dần tổ chức các chiến dịch quy mô nhỏ, với lực lượng là bộ đội chủ lực phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương. Sau đó, các chiến dịch quy mô vừa và lớn, được thực hiện, vận dụng rộng rãi linh hoạt các hình thức tác chiến vận động, đánh công kiên... Nhằm thích ứng với các hình thức tác chiến đó, bộ đội chủ lực ta được tổ chức thành các đại đoàn, chủ yếu là bộ binh, có thành phần binh chủng kỹ thuật phối hợp. Các hình thức tác chiến (đánh du kích, đánh vận động, đánh công kiên) kết hợp với nhau ngày càng chặt chẽ, linh hoạt, tạo hiệu quả tiêu hao, tiêu diệt địch với quy mô ngày càng lớn. Nhờ đó, ta đã lần lượt đánh bại các biện pháp tác chiến bằng hệ thống đồn bốt và các đội quân ứng chiến nhỏ, đến các cứ điểm, cụm cứ điểm, cao nhất là tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với lực lượng địch lúc cao nhất lên tới hơn 16.200 binh sỹ.
Nghệ thuật chiến dịch của ta hình thành và phát triển từ các chiến dịch quy mô nhỏ đến vừa và lớn, với những loại hình thích hợp, kết hợp tiến công và phản công. Chiến thuật của ta kế thừa di sản đánh giặc cứu nước xa xưa của tổ tiên được nâng lên một trình độ mới, phát huy cao độ sức mạnh của tinh thần chiến đấu và sự mưu trí, sáng tạo, phát huy sở trường đánh gần, đánh đêm, tận dụng các loại vũ khí cả thô sơ và hiện đại để chiến thắng các thủ đoạn tác chiến cùng binh khí kỹ thuật hiện đại của quân đội Pháp.
Chủ động, kiên quyết, sáng tạo, bí mật, bất ngờ
Chủ động tìm địch mà đánh, kiên quyết tiến công tiêu diệt địch là nét nổi bật trong nghệ thuật quân sự của ta. Điều đó được thể hiện sinh động qua nhiều trận chiến đấu, nhiều chiến dịch, trên từng vùng miền, khắp cả nước, suốt cả cuộc kháng chiến.
Một nét nổi bật khác của nghệ thuật quân sự Việt Nam là sự mưu trí và tính sáng tạo. Chính nhờ dựa vào sức mạnh toàn dân, vào tinh thần dũng cảm, kết hợp với mưu trí, sáng tạo mà chúng ta đánh thắng đội quân xâm lược của thực dân Pháp. Thực tế lịch sử cho thấy nhiều tấm gương sáng ngời về sự mưu trí, sáng tạo bao gồm cả bộ đội và nhân dân, của các cấp chỉ huy. Cuộc kháng chiến chống Pháp thực sự là đấu trí quyết liệt và phần thắng đã thuộc về ta, một phần do tài trí của ta hơn địch.
Nghệ thuật quân sự của ta coi trọng yếu tố bất ngờ, bởi nó là một yếu tố tạo nên thế mạnh. Trong rất nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch, ta đã làm cho địch bị bất ngờ về hướng, về mục tiêu, về thời gian, về cách dùng lực lượng và phương tiện, quy mô và cách đánh. Về tổng quát, quân và dân ta đã làm cho địch bất ngờ cả về chiến lược, chiến dịch và chiến đấu, đẩy quân địch thường xuyên lâm vào thế bị động đối phó.
Nghệ thuật quân sự coi trọng vấn đề thời cơ. Chúng ta không những chú trọng nắm thời cơ mà còn chủ động tạo thời cơ để tiến công tiêu diệt địch. Nhiều trận đánh và nhiều chiến dịch, trong đó các chiến dịch Biên Giới, Hòa Bình, Tây Bắc, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào, Điện Biên Phủ... là những điển hình thành công về nghệ thuật chọn thời cơ và tạo thời cơ.