Bảo đảm an toàn cho người dân
Là “tâm lụt” của tỉnh Nghệ An, Quỳ Châu bị thiệt hại nặng nề nhất khi toàn huyện có hơn 1.200 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước đến 5m. Có mặt tại thị trấn Tân Lạc, chúng tôi không khỏi xúc động khi thấy hơn chục người là cán bộ, người dân đang thu dọn giúp gia đình bà Nguyễn Thị Vinh bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. “Lũ ập đến trong ngày 27.9, làm cho dãy phòng trọ bị đổ sập bờ tường, mái ngói bị tốc hết, lũ cuốn trôi nhiều đồ đạc, vật dụng của gia đình và học sinh ở trọ”, bà Vinh chia sẻ.
Cô giáo Lương Thị Bình (Trường mầm non Châu Hạnh) cho biết: mưa như trút, nước lũ lên nhanh, trường bị ngập sâu, cơ sở vật chất bị hư hỏng nặng; ti vi, đồ dùng học tập bị ngập trong nước… “Nhờ sự giúp sức của các lực lượng và phụ huynh nên nước rút đến đâu, nhà trường tranh thủ đẩy bùn đất, chùi rửa đến đó. Chúng tôi đang nỗ lực để vệ sinh trường lớp sạch sẽ, đón các em đến trường sớm nhất”, cô Bình chia sẻ.
Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu Nguyễn Thanh Hoài chia sẻ: với quyết tâm ổn định cuộc sống cho bà con trong thời gian sớm nhất, huyện yêu cầu các địa phương nước rút đến đâu xử lý vệ sinh môi trường đến đó, kịp thời cứu hộ, cứu nạn, cứu đói, lo nguồn nước sạch, thực phẩm cho người dân những vùng bị ảnh hưởng. Đồng thời, khẩn trương thống kê thiệt hại trong khu dân cư, thiệt hại ở các cơ sở hạ tầng công cộng, lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi để sớm báo cáo với cấp có thẩm quyền đưa ra giải pháp khắc phục.
Cũng như Quỳ Châu, đợt mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng nề cho huyện Tân Kỳ, với hơn 300 nhà dân, 2 trường học, 4 nhà văn hóa bị ngập nước… Chủ tịch UBND huyện Phan Văn Giáp cho biết: huyện đã chỉ đạo các địa phương huy động nhân lực tại chỗ hỗ trợ các hộ dân, đặc biệt là các trường học, nhà văn hóa xóm bị ngập nước, khẩn trương thu dọn vệ sinh để người dân ổn định cuộc sống, các cháu được đến trường an toàn, sạch sẽ. Ngay sau khi thu dọn vệ sinh xong, Phòng Y tế huyện sẽ tiến hành phun hóa chất khử trùng bảo đảm vệ sinh môi trường, diệt muỗi và xử lý nguồn nước sinh hoạt cho bà con.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh, những ngày qua, trên địa bàn Nghệ An có mưa to đến rất to, với lượng mưa từ 150 - 300mm, cục bộ có nơi hơn 300mm… Tính đến sáng 30.9, mưa lũ đã làm hơn 3.000 ngôi nhà bị ngập, sập và cô lập; hàng trăm người dân phải sơ tán; hơn 6.000ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; hơn 25.000 con gia súc, gia cầm bị chết; nhiều trường học phải cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn…
Còn với Thanh Chương, mưa to kèm lốc cũng đã làm thiệt hại nặng nề tài sản và hoa màu của người dân trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Đình Thanh cho biết, huyện yêu cầu các địa phương phải nắm bắt diễn biến của thời tiết và thông tin kịp thời đến người dân; thực hiện tốt 4 tại chỗ, đặc biệt tăng cường kiểm soát, kiểm tra các khu dân cư sống gần sông, suối và khu thấp trũng để có giải pháp di dời kịp thời khi có sự cố khẩn cấp…
Quỳ Châu, Tân Kỳ hay Thanh Chương chỉ là ba trong số nhiều địa phương khác của Nghệ An trực tiếp chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa lũ những ngày qua. Sau mưa lũ là cảnh ngổn ngang, tan hoang... Với tinh thần “Vì Nhân dân phục vụ”, các lực lượng đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, khắc phục hậu quả mưa lũ, từng bước phục hồi sản xuất và ổn định cuộc sống.
“Không để người dân nào bị đói!”
Để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước, ngày 29.9, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN và PTDS) tỉnh đã có Công điện số 28/CĐ-UBND gửi các địa phương và sở, ban, ngành liên quan. Công điện yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS; Giám đốc các sở; thủ trưởng các ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động chỉ đạo khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo tiếp tục rà soát, sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, nhất là vùng trũng thấp có nhiều khả năng bị chia cắt, cô lập do ngập lụt sâu, các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, không để xảy ra chết người; kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói... Bên cạnh đó, các địa phương phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh yêu cầu Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng và địa phương theo đúng quy định để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả với mưa lũ… Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời huy động nhân lực, máy móc khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt… Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh chỉ đạo rà soát, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ, ứng phó với các tình huống thiên tai và tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu…