Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung; Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có: Đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh…; cùng 1.121 đại biểu, gồm: 93 Bí thư, Phó Bí thư Thường trực cấp ủy, Chủ tịch HĐND, UBND, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, thành phố, thị xã và 1.028 Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, UBND 460 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Phát huy tinh thần trách nhiệm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở
Phát biểu đề dẫn Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định: Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh năm 2023 nhằm hướng đến mục tiêu thống nhất về nhận thức, quan điểm, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, với quyết tâm cao trong toàn hệ thống chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Trong quá trình chuẩn bị, Ban Tổ chức chương trình đã triển khai đến cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện những nội dung đặt ra tại Chương trình tiếp xúc, đối thoại năm 2018 và triển khai thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU về đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025; tổng hợp những kiến nghị, đề xuất, những kinh nghiệm, cách làm hay từ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để trao đổi, kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.
Đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được 97 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của các xã, phường, thị trấn với Thường trực Tỉnh ủy về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị; tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân... Đây là những trăn trở, băn khoăn và tâm huyết mà các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn còn gặp khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Định hướng nội dung đối thoại, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến vào 3 nhóm vấn đề: Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tình hình Nhân dân… Thường trực Tỉnh ủy đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành theo dõi, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của đại biểu; chuẩn bị nội dung trao đổi, giải đáp đối với những ý kiến thuộc chức năng, nhiệm vụ về ngành, lĩnh vực được giao.
“Sự tham gia đóng góp ý kiến trao đổi, thảo luận, hỏi đáp của các đồng chí tại Chương trình này sẽ góp phần làm rõ hơn, đầy đủ hơn về nhận thức, quan điểm, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh Nghệ An”, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Với tinh thần đồng lòng, cùng chia sẻ, cùng lắng nghe, Thường trực Tỉnh ủy mong muốn các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, kết quả đạt được trong thời gian qua, tiếp tục chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách, nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương trong thời gian tới.
“Sau Chương trình gặp mặt, đối thoại lần này sẽ tiếp thêm động lực, tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy toàn Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An đoàn kết, đồng lòng quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, tạo tiền đề vững chắc để góp phần xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững; thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước", Phó Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ.

Phát biểu trước khi bắt đầu Chương trình gặp mặt, đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý mong muốn các đại biểu thẳng thắn, trải lòng thật những vấn đề, nội dung liên quan đến quá trình phát triển của tỉnh; những vấn đề liên quan đến quá trình điều hành của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, của các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy trao đổi và khẳng định: “Thường trực Tỉnh ủy cũng như các sở, ngành sẵn sàng trả lời các câu hỏi của các đồng chí”.
Đề xuất nhiều vấn đề về phát triển kinh tế
Tại hội nghị, có 14 ý kiến, đề xuất của các đại biểu và ý kiến trao đổi, trả lời của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy và các sở, ngành. Cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn nêu ý kiến tập trung vào các nhóm nội dung thuộc các lĩnh vực về: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông - vận tải, Tài nguyên - môi trường, Văn hóa, Tài chính, Ngân sách... Trong đó, các đại biểu bày tỏ băn khoăn, trăn trở về vấn đề phát triển nghề muối; áp dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ xi măng xây dựng nông thôn mới; sơ, tổng kết việc quy hoạch nông thôn mới để rút ra bài học, kinh nghiệm…


Đồng thời, những vấn đề về xử lý dự án chậm tiến độ, xây dựng hạ tầng, hỗ trợ tàu cá tham gia bảo đảm chủ quyền biển đảo... cũng được các đại biểu đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn đề xuất.
Bên cạnh đó, các cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn cũng tập trung phản ánh về chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ luân chuyển, người hoạt động không chuyên trách;… đồng thời, nhiều ý kiến đề nghị Tỉnh ủy điều chỉnh, sửa đổi Quy định số 08 về đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ để thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện; xem xét bảo đảm quyền lợi cho cán bộ tăng cường về cơ sở...

Đại diện Thường trực Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các Sở, ngành đã trực tiếp làm rõ những vấn đề, nội dung được nêu tại Hội nghị với mục tiêu tạo sự đồng thuận cao, chuyển biến mạnh mẽ từ cơ sở, thống nhất quan điểm, mục tiêu, hành động trong hệ thống chính trị.
Ngoài ra, quá trình chuẩn bị cho chương trình gặp mặt, đối thoại, Ban Tổ chức Hội nghị cũng đã lắng nghe, tiếp nhận 108 ý kiến từ các đơn vị, từ người dân và chính từ cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở phản ánh các vấn đề thực tiễn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo từ cơ sở.
Nỗ lực, cố gắng cùng tỉnh để nắm bắt cơ hội phát triển
Phát biểu bế mạc Hội nghị, khẳng định vai trò, vị trí rất quan trọng của các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh: Thường trực Tỉnh ủy chia sẻ với những vất vả, áp lực mà các đồng chí cán bộ chủ chốt cấp xã đã và đang gánh vác; đồng thời, biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp tích cực, quan trọng của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở trong toàn tỉnh thời gian qua.

Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Tỉnh đang bước vào một thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng với nhiều cơ hội để vượt lên, rất cần sự đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận cao trong toàn tỉnh, trong đó có cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18.7.2023 về xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định những quan điểm, định hướng mới, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tỉnh Nghệ An phát triển tương xứng với vị thế, tiềm năng, cơ hội và thách thức trong giai đoạn mới.
Thời điểm này, tỉnh cũng đã hoàn thành việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là hành lang pháp lý quan trọng trong định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh; là cơ sở để tỉnh hiện thực hóa các mục tiêu phát triển trong ngắn hạn và dài hạn của tỉnh đến năm 2050… Đặt ra yêu cầu trách nhiệm rất cao đối với các cấp, các ngành trong công tác quản lý quy hoạch, bảo đảm quy hoạch được triển khai hiệu quả, đồng bộ, tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển theo quy hoạch.
Tỉnh cũng đặt ra những quyết tâm thay đổi mạnh mẽ những bất cập, hạn chế phục vụ cho phát triển: Quyết tâm thay đổi trong tư duy, cách tiếp cận, phong cách lãnh đạo: Quyết liệt, linh hoạt, thực chất, hiệu quả; có trọng tâm, trọng điểm, chủ động, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngay sau Hội nghị, lãnh đạo các ngành, các cấp rà lại toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ để xem chỉ tiêu nào đã đạt, chỉ tiêu nào tiệm cận, chỉ tiêu nào khó đạt để có giải pháp thúc đẩy; xác định các điểm mạnh, khắc phục điểm nghẽn để bù đắp cho tăng trưởng.
Nhiệm vụ quan trọng trong năm nay là phải chuẩn bị thật tốt mọi mặt để triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 theo Kết luận số 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tỉnh ta có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (thị xã Cửa Lò) và 88 đơn vị hành chính cấp xã nằm trong diện phải sắp xếp.
Tỉnh xác định quan điểm phát triển nhanh, đột phá nhưng không đánh đổi bằng mọi giá; tập trung phát triển nhanh ở phía Đông để kéo phía Tây; phát triển phía Đông là động lực, phía Tây là bền vững; lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, chủ động, quyết liệt, phát huy mạnh mẽ sức dân. Hai khu vực động lực tăng trưởng là TP. Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam mở rộng; 4 hành lang kinh tế, 6 trung tâm đô thị.
Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị các cán bộ chủ chốt phải nắm được mục tiêu, nhiệm vụ, quan điểm phát triển của tỉnh để có trách nhiệm đủ lớn, sức sáng tạo đủ mạnh đóng góp vào công cuộc phát triển của tỉnh; thôi thúc những nỗ lực cống hiến lớn hơn, nhiều hơn để hoàn thành công việc được giao.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các cán bộ chủ chốt chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực giải quyết những vấn đề phát sinh tại cơ sở; năng lực dự báo, dự đoán, nắm bắt các vấn đề nhạy cảm; phối hợp, xử lý các vấn đề liên quan. Bám sát thực tiễn, phát hiện, chủ động xây dựng những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả và đề xuất các chính sách giải pháp cho phát triển; kịp thời góp ý về những bất cập, khó khăn trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và của tỉnh.
Cùng với đó, tăng cường vận động, tuyên truyền quần chúng, thực hiện việc đối thoại với Nhân dân thực chất, có hiệu quả; giữ vững nguyên tắc và trách nhiệm nêu gương; không ngừng tu dưỡng, học tập, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống… Bên cạnh sử dụng kịp thời, có hiệu quả, đúng quy định các nguồn lực do nhà nước đầu tư, thid cần chủ động phát huy tốt nhất nguồn lực từ xã hội hoá, từ niềm tin, sức mạnh của Nhân dân. “Thực tiễn cho thấy, địa phương nào có cán bộ chủ chốt năng động, chịu khó đeo bám, tìm kiếm nguồn lực thì sẽ phát triển nhanh, mạnh hơn địa phương khác”.