Thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Nghệ An, từ đầu năm 2022 đến nay, Nghệ An chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai như rét hại, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn cục bộ. Riêng từ ngày 30.4 đến 2.10, có năm đợt mưa lớn diện rộng, lũ quét tại huyện Kỳ Sơn. Thiên tai đã làm 11 người chết, trong đó chủ yếu là các trường hợp chết đuối khi đánh bắt cá, đi qua đập tràn nguy hiểm. Mưa lũ cũng khiến 100 nhà bị sập, hư hỏng, di dời 322 căn…
Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra ở Nghệ An là hơn 1.226 tỉ đồng, trong đó chỉ riêng đợt mưa lũ do hoàn lưu cơn bão số 4 (bão Noru) là hơn 908 tỉ đồng.
Trước tác động của thiên tai ngày càng phức tạp khó lường, yêu cầu đặt ra đối với Nghệ An và các ngành, địa phương là cần chủ động trong công tác chuẩn bị, sẵn sàng triển khai có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai.
Đề xuất sớm bố trí kinh phí cho khu tái định cư
Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Nguyễn Hữu Hiến cho hay, dù là huyện có diện tích lớn nhất tỉnh thế nhưng người dân ở Tương Dương chủ yếu phải sống bên cạnh các sông, suối, nguy cơ sạt lở cao. Việc tìm kiếm đất để tái định cư cho bà con nhân dân sau khi bị sạt lở gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế huyện đề nghị UBND tỉnh sớm bố trí kinh phí để sửa chữa một số điểm tái định cư, đảm bảo an toàn cho người dân khi bước vào mùa mưa lũ.
Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn lũ lịch sử hồi tháng 10.2022, vấn đề tái định cư cho người dân thiệt hại do lũ ống, lũ quét tại huyện Kỳ Sơn cũng đặc biệt được quan tâm. Theo đó, khu tái định cư đã được khảo sát tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, với tổng diện tích gần 13ha, đủ để bố trí tái định cư cho 225 hộ dân. Tổng mức đầu tư xây dựng khu tái định cư ước khoảng 70 tỷ đồng. Đến nay, UBND huyện đã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, lấy ý kiến người dân.
Huyện Kỳ Sơn kiến nghị, đề xuất Trung ương, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh sớm phê duyệt chủ trương và hỗ trợ kinh phí dự án tái định cư cho các hộ dân vùng lũ quét Tà Cạ, Sơn Hà… đến nơi ở mới an toàn. Cùng với đó, hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây mới các công trình nước sinh hoạt, bố trí kinh phí khắc phục hệ thống giao thông, thủy lợi bị hư hỏng bởi sự tàn phá của lũ ống, lũ quét.
Huyện Kỳ Sơn đề xuất tỉnh tách dự án tái định cư thành 2 giai đoạn, thuộc 2 nguồn vốn đầu tư khác nhau, đó là nguồn dự phòng của tỉnh và nguồn vốn của quỹ thiện tâm. Hiện nay, số hộ đã bị lũ cuốn trôi nhà và sập nhà vẫn đang phải ở nhà người thân, hoặc thuê nhà để ở. Do vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là tỉnh cần sớm ban hành lệnh công bố thiên tai khẩn cấp, khi đó khu tái định cư mới được ưu tiên tối đa để huyện tiến hành triển khai xây dựng khu tái định cư kịp tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng cho dân làm nhà, ổn định cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho biết, UBND tỉnh đồng ý với kiến nghị của huyện Kỳ Sơn, thống nhất xây dựng khu tái định cư thành 2 giai đoạn, theo 2 nguồn vốn đầu tư. Theo đó, huyện Kỳ Sơn tiếp tục khảo sát lại hộ dân cần tái định cư và tham khảo ý kiến của người dân. Ông Đệ cũng đề nghị huyện và ngành nông nghiệp rà soát rõ nguồn gốc khu đất tái định cư một cách cụ thể để báo cáo về UBND tỉnh.
Triển khai hiệu quả công tác phòng chống thiên tai
Thời gian qua, các sở ban ngành cấp tỉnh, các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã nghiêm túc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24.3.2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18.6.2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, trước mắt, cần kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp. Bên cạnh đó, có kế hoạch đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị, chuẩn bị cơ sở dữ liệu cho bộ phận thường trực để tham mưu chỉ đạo, hỗ trợ ra quyết định kịp thời, chính xác, hiệu quả, qua đó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đưa ra phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai của từng ngành, lực lượng vũ trang, UBND các huyện, thành phố, thị xã, đơn vị và công trình. Chú ý đến các công trình trọng điểm, đê điều, hồ đập, vùng miền núi có nguy cơ dễ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Cùng với đó, các ngành, địa phương cần tổ chức quán triệt, thống nhất về nhận thức, có kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. Đồng thời lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong các chương trình, hoạt động của các cấp tại địa phương.
Cũng theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, thời gian tới, xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, các ngành, địa phương cần tăng cường công tác tập huấn, diễn tập công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra chuẩn bị ở mọi cấp theo phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, thông tin liên lạc bảo đảm kịp thời, chính xác. Thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, quản lý tàu thuyền và thông tin hai chiều trên biển... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An còn lưu ý đến sự cần thiết trong việc giám sát chặt chẽ quy trình vận hành hồ chứa, đảm bảo thông tin cho người dân vùng hạ du khi xả lũ.