
Chiều lái xe về nhà xuyên qua thành phố tắc. 90 phút cho hơn 20km đường nên buồn ngủ rũ rượi, nằm thiếp đi trên ghế.
Tỉnh giấc lúc 2h sáng. Hình như ngoài trời mới tạnh mưa. Cánh đồng phía dưới ban công râm ran tiếng côn trùng, tiếng ễnh ương, chẫu chuộc khiến tôi nhớ những ngày cuối mùa hè ở quê.
Tầm này, hồi học cấp 2, kỳ nghỉ hè sắp hết, chỉ còn mươi ngày nữa là phải quay trở lại Hà Nội để vào năm học mới. Những ngày cuối mùa hè, ông ngoại thường bảo tôi vào ngủ cùng trên cái giường đằng đông căn nhà gỗ 5 gian. Giường cạnh cửa sổ luôn mở, cửa gỗ bức bàn cũng luôn mở. Ông ngoại bảo: Ngủ nên mở rộng cửa thì mới mơ lớn được.
Tôi không thân ông ngoại, vì ông khó tính với con cháu. Khó tính kiểu nhà nho, hay xét nét, dạy dỗ, ít trìu mến với trẻ con. Cả mùa hè ông chủ yếu là mắng mỏ tôi vì những trò nghịch ngội. Nhưng cuối hè, khi tôi sắp về lại thành phố, ông lại hay cho tôi ngủ cùng, rầm rì kể chuyện trước khi tôi thiếp đi. Chuyện ông kể, đôi khi là chuyện cũ làng quê, đôi khi là chuyện xưa trong sách vở. Tôi lờ mờ đoán rằng ông cố dạy tôi điều gì đó thông qua những câu chuyện, thay cho việc mắng mỏ suốt mùa hè.
Mùa hè năm tôi học lớp 8 thì ông ngoại bắt đầu bị chứng mộng du. Gần sáng, ông ngồi dậy, đi lại trong bóng tối mà không va cái cột nhà nào. Có buổi sáng dậy, thấy ông lấm lem bùn đất khắp chân tay. Người làng kể gặp ông chạy suốt đêm ngoài cánh đồng, lên tận gò đống vật. Không ai dám gọi, vì người ta nghĩ rằng việc khiến một người mộng du tỉnh lại bất ngờ thì sẽ bị lạc hồn giữa cõi mộng và cõi thức. Tôi nhớ là nhiều người rất sợ những cơn mộng du của ông. Nhưng ngược lại, tôi thấy ông hiền lành sau những đêm náo động như thế. Buổi sáng ông thức dậy, ngồi lặng nhìn những vết bùn trên quần áo, những vết chân trên nền nhà bằng ánh mắt rất buồn. Tôi không biết trong giấc mơ náo động đêm qua ông lạc đến cõi nào. Có lẽ, ông lạc về thời Đông Chu, nơi kiếp trước có thể ông là một nho sĩ, hay một khách khanh, một nhân vật nào đó trong những câu chuyện ông hay kể cho tôi nghe trước khi ngủ.
Ngày cuối của mùa hè, khi bố tôi về quê đón tôi lên Hà Nội bằng cái xe con thỏ, ông tiễn đến tận gốc nhãn nhà hàng xóm, rồi dặn bố tôi: Thằng bé là người hiền, nên đừng lo cho nó.
Tôi không biết người hiền là thế nào, chỉ hình dung có lẽ giống như ông, với ánh mắt buồn bã khi thức dậy sau những cơn mộng du.
Mấy năm sau thì ông mất, mấy năm sau thì tôi cũng không còn là trẻ con, mấy năm sau thì nhà tôi cũng sa sút, và bố tôi cũng vất vả bươn chải không có điều kiện lo cho tôi. Tôi bước vào đời, lăn lộn va chạm với đủ loại người, đủ mọi hoàn cảnh hiểm ác. Nhưng trong hoàn cảnh nào, tôi vẫn luôn nghĩ mình là một người hiền, như lời ông ngoại. Có lẽ, vì luôn nghĩ mình là một người hiền, nên tôi cuối cùng cũng đi qua những hung hiểm của cuộc đời một cách bình an.
Đêm, thức bên khung cửa rộng, nghe tiếng côn trùng kêu như ngày xưa, chợt nhớ đến ông, chợt nghĩ về mình. Nghĩ, một đứa trẻ lớn lên trong rất nhiều nỗ lực dạy dỗ của thế hệ trước, nhưng đôi khi số phận nó lại được quyết định chỉ bởi một câu nói tình cờ.