Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2022), phóng viên Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân có cuộc trò chuyện với chuyên gia Tâm lý học, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội) về vị thế người thầy trong xã hội hiện đại.
Người làm thầy xứng đáng được tôn trọng
- Chúng ta đang sống trong thời đại nhấn mạnh nhiều đến sự phát triển kinh tế, tôn vinh các công ty khởi nghiệp, khuyến khích tinh thần doanh nhân, đề cao các yếu tố công nghệ, giải trí… Trong bối cảnh đó, vị trí nghề giáo có lẽ không còn được xem như vai trò trung tâm, vị thế người thầy cũng vì vậy mà không được coi trọng như trước đây, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Trong năm 2022, hơn 16.000 giáo viên, trong đó có nhiều giáo viên giỏi đã xin nghỉ việc hoặc chuyển qua khối tư thục. Nguyên nhân bởi thu nhập từ nghề không đáp ứng đủ nhu cầu căn bản của cuộc sống, quá tải với các thủ tục. Cùng đó, yêu cầu công việc khiến họ không cân bằng được thời gian cho công việc và gia đình, môi trường làm việc nhiều rủi ro và những áp lực hữu hình hoặc vô hình trong cuộc sống làm họ trở nên kiệt quệ về cảm xúc.
Liên tiếp vụ việc báo chí phản ánh gần đây về những hành vi hỗn láo, vô lễ từ học sinh, sự hung hăng của phụ huynh tới giáo viên khiến nhiều người cảm thán “nghề giáo bây giờ cũng là nghề nguy hiểm”.... Tất cả đều đang bào mòn tình yêu nghề của những giáo viên với sự nghiệp trồng người.
Thế nhưng, ở góc nhìn khác, có rất nhiều nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước vẫn yêu nghề, mến trẻ, âm thầm bền bỉ dạy dỗ bao thế hệ học sinh thành tài. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực, nhiều nhà giáo đã về hưu nhưng vì nhớ trường, yêu trẻ vẫn sẵn sàng quay lại giảng dạy. Vẫn có gia đình cả 3 thế hệ đều là giáo viên và tiếp tục định hướng cho thế hệ sau tiếp nối truyền thống sư phạm của gia đình…
Tại sao trong bối cảnh khó khăn và ai cũng chú ý đến yếu tố kinh tế, vẫn có rất nhiều người chọn nghề sư phạm? Tôi tin rằng, người đã chọn nghề làm thầy, họ không chọn nghề này như một công việc chỉ để làm và nhận tiền công.
Những người chọn nghề thầy giáo vốn mang sẵn trong mình những giá trị tích cực. Họ yêu trẻ, họ muốn tạo ra sự khác biệt đối với học sinh, họ thích sáng tạo để giúp học sinh hứng thú và thay đổi khác biệt mỗi ngày. Những giá trị tinh thần đó mang lại giá trị lớn hơn, bù trừ cho những khó khăn, vất vả và thiếu hụt vật chất của nghề giáo. Cũng chính vì thế, những người làm thầy xứng đáng được tôn trọng.
- Trong bối cảnh này, làm thế nào để “tôn sư trọng đạo” được khắc sâu trong xã hội, thưa ông?
- Điều đầu tiên là cần nhiều dịp trong năm như ngày lễ Hiến chương Nhà giáo Việt Nam để vinh danh và biết ơn những người thầy.
Ngay thời điểm này, bất cứ ai, nếu đã biết đọc, biết viết, cần biết ơn những người thầy.
Bất cứ ai, nếu có những kỹ năng toán học chuyên biệt để phục vụ công việc, cần biết ơn những người thầy.
Bất cứ ai, nếu biết chơi một loại nhạc cụ, biết thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, cần biết ơn những người thầy.
Phụ huynh cần biết ơn những người thầy vì họ đã dạy cho con cái họ tri thức cần thiết, truyền cảm hứng cho những đứa trẻ về những điều quan trọng cho cuộc sống và tương lai của các em.
Phụ huynh cần biết ơn những người thầy đã quan tâm sâu sắc đến từng học sinh, khơi gợi đam mê, trao quyền và động viên để các em từng bước đạt được ước mơ của mình.
Phụ huynh cần biết ơn những người thầy đã đặt ra nhiều câu hỏi thông minh khiến cho các em học sinh có tư duy phản biện và tìm ra cách tối ưu để giải quyết vấn đề.
Phụ huynh cần biết ơn những người thầy đam mê môn học, vì không có nó họ không thể trao truyền sự đam mê khoa học cho những đứa trẻ.
Cộng đồng, hãy biết ơn những người thầy vì họ đã làm việc nhiều giờ hơn với mức lương khiêm tốn hơn dẫu năng lực của họ có đủ để kiếm tiền bằng những cách ít căng thẳng hơn.
Cộng đồng hãy biết ơn những giáo viên vùng cao, đã tự bỏ tiền túi ra để mua đồ dùng học tập, mua đồ ăn để nuôi trẻ đến trường khi nhà trường gặp nhiều khó khăn. Hãy cảm ơn họ vì họ tự nguyện làm những thứ ngoài trách nhiệm công việc được ký trong hợp đồng, hỗ trợ thêm những học sinh khó khăn ngoài giờ lên lớp.
- Để xã hội tôn trọng nghề giáo, bản thân những người thầy cũng phải tôn trọng và tự hào về nghề nghiệp của mình. Quan điểm của ông ra sao?
- Nghề giáo đáng tự hào vì là nghề duy nhất tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc làm thay đổi những cuộc đời.
Bất cứ ai trong chúng ta nếu nhớ lại những năm học phổ thông và đại học đều có thể tìm thấy những người thầy thực sự ảnh hưởng tới mình. Những người đã khiến hành trình học tập của chúng ta trở nên thú vị. Những người đã ủng hộ những cố gắng nhỏ để chúng ta tự tin chinh phục những môn học khó.
Những người thầy, người cô đã kiên nhẫn lắng nghe những mục tiêu, nguyện vọng nghề nghiệp và ước mơ của mình. Hoặc nhớ lại người thầy đã động viên và yêu thương hết mực ngay cả khi bạn mất động lực hoặc đi chệch hướng. Nếu đếm thật kỹ, mỗi cá nhân đều có nhiều người thầy đã ảnh hưởng tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống.
Có những người thầy giúp cho học sinh từ học lực yếu, mất hứng thú học tập chuyển biến và đạt điểm 10 trong môn học của thầy nhiều năm trước đây, bây giờ thầy lại được chứng kiến những thành công xuất sắc của học sinh đó đang tiếp tục tạo ra ảnh hưởng tích cực tới xã hội… Nó khiến cho những người thầy cảm thấy hạnh phúc và tự hào mỗi ngày vì những hạt mầm được thầy cô gieo xuống đã tạo nên bước ngoặt trong sự nghiệp của học trò cũ.
Giáo viên phải là tấm gương về sự kiên nhẫn, trung thực, bao dung
- Ông nghĩ sao về quan niệm, nghề giáo đầy hấp dẫn vì giúp cho giáo viên hoàn thiện về mặt nhân cách, trở thành người có tấm lòng của người mẹ, có tâm hồn sáng tạo tự do của như người nghệ sỹ và được nhớ đến như người kiến trúc sư của những lớp học hạnh phúc…?
- Giáo viên ngày càng phải đáp ứng nhiều yêu cầu và trách nhiệm trong giảng dạy nhưng nghề này cho phép mỗi thầy cô được thỏa sức sáng tạo trong mỗi bài học. Chỉ nghề giáo mới tạo cơ hội để thử ngay những ý tưởng mới mẻ, điều chỉnh ngay trong quá trình học dựa trên quan sát thực tế để tiết học thật vui, thật thú vị, thu hút người học.
Thực tế, mỗi học sinh đều khác nhau, các em có kinh nghiệm sống khác nhau nên sẽ cần phương pháp học tập và sự tiến bộ với tốc độ khác nhau. Những đứa trẻ ở độ tuổi cấp hai rất dễ đối mặt với những áp lực từ bạn bè, nhạy cảm với sự tôn trọng, rối loạn nội tiết tố của tuổi dậy thì khiến chúng trở nên tức giận, lo lắng, ngang bướng và khẳng định bản thân bằng cách chống lại tất cả những người có thẩm quyền. Điều này đòi hỏi giáo viên phải trở nên bao dung hơn với những sai lầm của học trò, lắng nghe và thấu hiểu cả cách vận hành tâm trí của người học.
Thời kỳ dạy học kiểu "cho gì ăn nấy" đã kết thúc vì người học có thể tiếp cận với bất cứ thông tin nào khi họ muốn… Và việc tạo ra nhiều con đường học tập cho nhiều đối tượng người học luôn là những trải nghiệm thú vị.
Những khoảnh khắc “a ha” khi phát hiện một cách thức làm cho những đứa học trò cá tính trở nên thích thú và dễ hiểu với bài học hơn luôn mang lại niềm vui sướng khó tả cho những người thầy.
- Vậy, những người thầy cũng phải có trách nhiệm bảo vệ danh xưng Nhà giáo của mình, thưa ông?
- Bản thân nghề giáo có tính mô phạm. Một khi đã chọn nghề giáo, bên cạnh vị thế cao quý, đáng tự hào, cũng phải chấp nhận những trách nhiệm đi cùng.
Mỗi giáo viên phải trở thành tấm gương về sự kiên nhẫn, trung thực, bao dung, công bằng, chính trực và nhân ái. Vì vậy, hành vi ứng xử không thể buông tuồng, cảm xúc không thể thiếu khống chế.
Trong cuộc sống, sẽ có những việc người thầy không nên làm dẫu pháp luật không điều chỉnh. Ví dụ, giáo viên tham gia kinh doanh online cũng có thể mang lại nhiều nguy cơ cho hình ảnh của thầy cô nếu sử dụng những thủ thuật và ngôn ngữ giao tiếp của giới kinh doanh online trong giao dịch mua bán.
Trong lịch sử, những người thầy được suy tôn là “vạn thế sư biểu” - là thầy của vua, đều không nổi tiếng vì giàu có, thậm chí sống thanh bần, nhưng tên tuổi của họ được lưu truyền mãi nghìn đời sau.
Việc kiến tạo một xã hội văn minh và thành công phụ thuộc vào việc giáo dục ra những đứa trẻ biết quan tâm đến người khác, biết thấu cảm với những khổ cực, biết bất bình với những sách nhiễu, cũ kỹ.
Chúng ta không thể đánh lừa những đứa trẻ rằng, thành công đạt được là do điểm số, thành công đạt được đo bằng việc cá nhân tích lũy được bao nhiêu của cải vật chất hay vị trí quyền lực trong xã hội. Trong khi xu hướng cả xã hội chỉ ích kỷ tập trung vào thành công cá nhân như thế, chúng ta càng phải tôn vinh những nhà giáo, những người dám xả thân hy sinh những lợi ích vật chất để tạo ra một thế hệ mới biết quan tâm, có sự thấu cảm với những vấn đề của thời cuộc, của đất nước và dám hành động để tạo ra những giá trị tích cực cho xã hội trong nhiều thập kỷ tới.
Hãy dành cho họ sự tôn trọng xứng đáng vì họ là những máy cái giúp cải cách xã hội trong tương lai.
Với tôi, nghề giáo chỉ có niềm tự hào.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!