Sau 10 năm được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập (2014 – 2024), với mục tiêu trở thành một đại học xuất sắc về công nghệ - kỹ thuật tiên tiến và khoa học liên ngành để đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Trường ĐH Việt Nhật (VJU) – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đang dần khẳng định được vị thế và từng bước hiện thực hóa sứ mệnh của mình.
Ra đời năm 2014 bởi sáng kiến chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của hai Chính phủ, các trường đại học hàng đầu Nhật Bản và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam, sứ mệnh của VJU ngay từ ban đầu đã được xác định là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, trong những lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và Nhật Bản có thế mạnh.
Khởi đầu với các chương trình sau đại học, tính từ năm 2016 đến nay, VJU đã có hơn 400 thạc sĩ Tốt nghiệp từ 8 chương trình đào tạo: Công nghệ nano (MNT), Kỹ thuật xây dựng (MCE), Kỹ thuật môi trường (MEE), Biến đổi khí hậu & phát triển (MCCD), Khu vực học (MAS), Quản trị kinh doanh (MBA), Chính sách công (MPP), Lãnh đạo toàn cầu (MGL).
Phần lớn học viên tốt nghiệp sđều đang nắm giữ những vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp, tổ chức… hoặc lựa chọn theo đuổi con đường nghiên cứu, học thuật (học lên tiến sĩ tại Nhật Bản và nhiều quốc gia tiên tiến khác và làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu, bộ phận R/D của các doanh nghiệp). Lấy ví dụ, một cựu học viên MCE của VJU là anh Trịnh Đức Trường, sau khi tốt nghiệp đã theo học bậc tiến sĩ ngành cơ khí tại ĐH Hiroshima, hiện đang làm kỹ sư hệ thống, chuyên thực hiện tính toán, mô phỏng nhằm tối ưu hóa quy trình cho tập đoàn Micron Technology (top 3 thế giới về chip nhớ) tại Nhật Bản.
Dựa trên cơ sở thành công của hoạt động đào tạo sau đại học, VJU bắt đầu tuyển sinh hệ cử nhân & kỹ sư kể từ năm 2020, với lứa cử nhân Nhật Bản học (BJS) đầu tiên thuộc khoa Khoa học Xã hội liên ngành (FISS) vừa nhận bằng tốt nghiệp. Với sự định hướng của Chính phủ Việt Nam và ĐHQGHN, Trường đặc biệt chú trọng xây dựng các chương trình cử nhân và kỹ sư trong các lĩnh vực Công nghệ - Kỹ thuật tiên tiến: Cử nhân Khoa học & kỹ Thuật máy tính (BCSE), Kỹ sư Kỹ thuật Xây dựng (ECE), Kỹ sư Nông nghiệp thông minh & bền vững (ESAS), Kỹ sư Công nghệ thực phẩm & Sức khỏe (FTH), Kỹ sư Cơ điện tử thông minh & sản xuất theo phương thức Nhật Bản (MJM) thuộc khoa Công nghệ & Kỹ thuật tiên tiến (FATE). Các chương trình bậc đại học này có sự liên thông ngang và dọc với các chương trình đào tạo sau đại học để đào tạo nguồn nhân lực toàn diện, trình độ cao phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.
Với triết lý giáo dục khai phóng (liberal arts), để đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật cao, phù hợp với xã hội Việt Nam mà nhà trường đang theo đuổi, thông qua các hoạt động đào tạo đặc biệt chú trọng kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, VJU mong muốn trang bị cho sinh viên một nền tảng tri thức tổng hợp vững chắc cùng các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, để các em có thể tự thích ứng và phát triển bản thân trên thị trường nhân lực toàn cầu đang không ngừng biến động và cạnh tranh khốc liệt.
Một phụ huynh sinh viên đã nhận xét “Đào tạo tại VJU cung cấp nền tảng giúp sinh viên phát triển toàn diện và phát triển lâu dài chứ không đi vào các ngõ hẹp, lối mòn”. Sau 2 - 3 năm đầu còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, chưa kể ảnh hưởng bởi đại dịch Covid, thay vì chuyển hướng sang đào tạo các chuyên ngành hẹp đã có sẵn sự hiện diện trong tiềm thức của xã hội và dễ tuyển sinh, chẳng hạn: marketing, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, đầu tư chứng khoán, logistics, du lịch khách sạn…, VJU vẫn kiên trì với định hướng của mình và bắt đầu thu hoạch trái ngọt.
Năm học 2024 - 2025 này, bên cạnh ngành Nhật Bản học (BJS) mà VJU có thế mạnh hiển nhiên và đã khẳng định được vị thế, những chương trình đào tạo Công nghệ - Kỹ thuật tiên tiến của Trường đã ghi nhận số hồ sơ đăng ký tăng đột biến và Trường đã sớm đạt chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm 2024.
Đó là kết quả rất đáng khích lệ, cho thấy hướng đi đúng đắn cùng những nỗ lực không biết mệt mỏi của tập thể VJU; đồng thời cũng là sự tri ân đối với ĐHQGHN, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam (EoJ), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), các trường đại học đối tác, doanh nghiệp, tổ chức,… đã đồng hành cùng nhà trường trong chặng đường suốt 10 năm qua.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những khởi đầu thuận lợi, để thực sự đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Công nghệ - Kỹ thuật tiên tiến, Trường còn phải có nhiều nỗ lực tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu tiếp cận tiêu chuẩn Nhật Bản. Cùng với đó, cần tạo môi trường học thuật quốc tế tốt hơn nữa để nhà khoa học và sinh viên của Trường ĐH Việt Nhật có thể thực sự phát huy được năng lực, hiện thực hóa được những giấc mơ của mình tại trường và từ đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.
Trong lộ trình phát triển Trường ĐH Việt Nhật trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực ứng biến thực tiễn cao, đáp ứng nhu cầu kinh tế, xã hội của cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản, ĐHQGHN đồng hành cùng các đối tác, trong đó có Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản để tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất và hỗ trợ hoạt động nghiên cứu theo hướng phát huy thế mạnh của Trường và đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Vừa qua, những thiết bị hiện đại nhất, trị giá hàng trăm ngàn USD do các nhà sản xuất danh tiếng thế giới cung cấp được lắp đặt cho phòng thí nghiệm hóa sinh, sinh học phân tử và vi sinh của Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN tại cơ sở Hòa Lạc. Những hạng mục đầu tư cơ sở vật chất vô cùng bài bản từ ĐHQGHN và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cho thấy sự quyết tâm trong việc thúc đẩy dự án xây dựng Trường ĐH Việt Nhật sớm hoàn thiện, hiện đại, chất lượng quốc tế và là điểm đến học tập và nghiên cứu của người học trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Chỉ tiêu tuyển sinh hệ cử nhân & kỹ sư của VJU năm học 2024:
|