
Năm 2025 đánh dấu 20 năm họa sĩ Phạm Ngọc Mỵ vẽ sơn mài và đã tham gia 25 triển lãm nhóm, triển lãm mỹ thuật khu vực, triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Trong triển lãm cá nhân đầu tiên, nữ họa sĩ sẽ giới thiệu nhiều bức tranh sơn mài khổ lớn, về nhiều đề tài: phong cảnh, cuộc sống miền biển và miền núi, chân dung...
Triển lãm lấy cảm hứng từ son - sắc màu đặc trưng của sơn mài (màu son trong sơn mài truyền thống). Tại đây, người xem sẽ hòa mình vào bức tranh bình minh của “Biển Tĩnh Gia”, theo chân họa sĩ đến “Bản Mòn”, “Bản Thẳm”; để cảm nhận được “Nếp nhà” bình yên mà nhọc nhằn đến mấy khi quay trở về ta đều an nhiên; cảm nhận được sự thiêng liêng của tình mẫu tử trong “Khởi sinh”; cảm nhận nét “nude” nghệ thuật trong vẻ đẹp của các thiếu nữ sơn cước với các tác phẩm: “Tắm”, “Sắc duyên”, “Nổi loạn”, “Thanh xuân”…
Chia sẻ về triển lãm, họa sĩ Phạm Ngọc Mỵ cho biết, chị quyết định lựa chọn sơn mài truyền thống khi được khởi nguồn cảm hứng từ đề tài khóa luận tốt nghiệp “Khai thác tính năng của chất liệu trong các thể loại hội họa” do GS. Phạm Công Thành hướng dẫn. Lúc đó mong muốn lớn nhất của chị là được lưu giữ lại một nghệ thuật truyền thống đang bị mai một trước cuộc sống hiện đại.
Triển lãm là kết quả quá trình sáng tác miệt mài gần 2 thập kỷ theo đuổi và đam mê sơn mài truyền thống. Qua đây, nghệ sĩ mong muốn lan tỏa nghệ thuật sơn mài truyền thống, đặc biệt là đến họa sĩ trẻ, với thông điệp: "Văn hóa truyền thống tuy nhọc nhằn nhưng bền vững với thời gian".
Ngoài triển lãm trực tiếp, các tác phẩm trong triển lãm “Nét son” sẽ được giới thiệu trên nền tảng triển lãm trực tuyến của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại địa chỉ https://vnfam.vn/vi.