Bản sắc đặc trưng của dân tộc Kháng
Ở Việt Nam, người Kháng cư trú chủ yếu ở Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Theo kết quả điều tra dân số, dân tộc Kháng đến nay đã lên tới hơn 13.840 người. Do nhu cầu đời sống riêng tư, công việc làm ăn và công tác được phân công nên ngày nay, họ đã phân bố ở 25 tỉnh và thành phố. Người Kháng còn cư trú ở Lào, các tỉnh sát biên giới với khoảng 1.000 người và được gọi bằng nhiều tên khác nhau như Phong-Kniang, Pong 3, Khaniang, Keniang, Lao Phong.
Dân tộc Kháng chỉ chiếm 0,91% dân số ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Tại đây, người Kháng cư trú thành từng bản, chủ yếu tập trung ở xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ, với khoảng 30 đến 90 hộ gia đình. Trước thời thế phát triển, thích nghi dần với xu thế “bình thường mới” hậu COVID-19, đồng bào Kháng vừa tiếp thu lối sống hiện đại, vừa duy trì nét văn hóa đặc sắc về phong tục, tập quán.
Đặc điểm kinh tế chủ yếu của người Kháng là làm rẫy theo lối chọc lỗ tra hạt. Đây là phương thức làm nông nghiệp nương rẫy cổ xưa nhất có từ thời văn hóa Đông Sơn. Ngoài lối canh tác ấy, người Kháng còn làm ruộng nước theo phương thức cày bừa, gieo cấy trên các thửa ruộng bậc thang hẹp, nhưng không phổ biến. Người Kháng cũng chăn nuôi gia súc và gia cầm (gà; lợn; trâu) và làm đồ đan lát (ghế; rổ; rá; nia; hòm; gùi), làm mộc (thuyền độc mộc kiểu đuôi én) được người Thái ưa dùng. Đó là những công việc nông nhàn, phục vụ cho đời sống tự túc, tự cấp trong các bản làng của họ.
Bà Lý Lìn Siu (62 tuổi, dân tộc Kháng) cho biết, đồng bào Kháng vẫn đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, tỷ lệ đói nghèo còn cao. Những năm gần đây, dân số trong bản cũng thưa thớt dần vì bà con xuống miền xuôi học tập và làm việc. Hầu hết chỉ có người già và trẻ nhỏ sinh hoạt ở nhà và sống theo nhu cầu tự cung tự cấp. Đến nay, đời sống tinh thần của người dân đã có nhiều cải tiến, chủ yếu đan xen và học hỏi từ văn hóa Thái, Kinh.
Bảo tồn những nét văn hóa truyền thống
Ngày nay, trong đời sống vật chất và tinh thần của người Kháng (từ hôn nhân; cưới xin; ma chay; ăn mặc và nhà ở) đã có nhiều sự thay đổi với những đan xen và tiếp biến văn hóa với nhiều dân tộc khác. Thời đại truyền thông phát triển, giao thông đi lại thuận tiện hơn đã khiến sự đan xen ấy đi xa hơn giới hạn vùng, tới cả đất nước và trên thế giới. Có lẽ do vậy nên những nét văn hóa truyền thống của người Kháng nói riêng và nhiều dân tộc khác nói chung cũng đã bị phôi phai và dần mai một.
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Đảng và Nhà nước ta đã có những bước đi đúng đắn; đề ra được những chính sách kịp thời; không ngừng quan tâm, triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể nhằm bảo tồn, tôn tạo, đồng thời phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.
Tỉnh Điện Biên nói riêng và các địa phương nói chung cũng từng bước nhận thức được giá trị của việc gìn giữ di sản văn hóa các dân tộc thông qua việc phục dựng nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, lập hồ sơ, trình Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhiều cuốn sách về bảo tồn văn hóa các dân tộc cũng được các nhà nghiên cứu xuất bản, lưu giữ… góp phần không nhỏ vào công tác gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Bên cạnh những chính sách thiết thực, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số; xây dựng; thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi những người có uy tín trong cộng đồng, nghệ nhân, già làng, trưởng bản… những người có ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng. Từ đó nâng cao hơn nữa việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu một số hình ảnh về nét đẹp văn hóa của đồng bào Kháng tại huyện Nậm Pồ (Điện Biên):










