Tốp đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục
Cụ thể hóa Nghị quyết số 29 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI, hơn 10 năm qua, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành 16 văn bản, HĐND tỉnh ban hành 18 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành hơn 67 văn bản triển khai các chủ trương, chính sách “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của tỉnh, giáo dục Vĩnh Phúc những năm gần đây luôn giữ vững vị trí tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.
Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục được phát triển, cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng được mở rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân, nhất là trẻ mầm non và các nhóm đối tượng yếu thế. Cơ sở vật chất trường học và trang thiết bị giảng dạy được tăng cường đầu tư theo chiều sâu, từng bước đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% trường công lập từ mầm non đến trung học phổ thông (THPT) được công nhận đạt chuẩn quốc gia, hoàn thành chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI. 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng.
Chất lượng dạy và học ở các bậc học được duy trì ở mức cao. Việc đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học được chú trọng. Vĩnh Phúc là 1 trong 4 tỉnh của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS) mức độ 3; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT hằng năm đạt cao.
Tại kỳ chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022 - 2023, Vĩnh Phúc có 79 học sinh đoạt giải, gồm: 5 giải Nhất, 20 giải Nhì, 23 giải Ba, 31 giải Khuyến khích, đứng thứ 2 cả nước về tỷ lệ học sinh đoạt giải. Có 1 học sinh dự thi Olympic Quốc tế môn Sinh học đoạt Huy chương Đồng. Với số lượng lớn học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh trong năm học 2022 - 2023, Trường THCS Vĩnh Tường tiếp tục khẳng định tốp đầu các trường THCS chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Tường Nguyễn Quang Đạo chia sẻ: Để có được kết quả này, đội ngũ giáo viên đóng vai trò tiên quyết. Do vậy, nhà trường luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên vừa “hồng” vừa “chuyên” thông qua việc tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tham gia các khóa học đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy…
Sẵn sàng thích ứng, gia nhập quá trình toàn cầu hóa
Có thể thấy, việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, từng bước nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế trong khu vực và trên cả nước. Phát huy những thành quả đã đạt được, thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống thiết bị dạy học, chú trọng thiết bị tiên tiến, hiện đại tại các nhà trường đáp ứng kịp với tiến độ đăng ký xây dựng trường chuẩn quốc gia. Mặt khác, tập trung tổ chức triển khai hiệu quả kế hoạch xã hội hóa giáo dục, đẩy mạnh phong trào khuyến khích, khuyến tài nhằm đạt mục tiêu xây dựng xã hội học tập.
Chia sẻ về các giải pháp xây dựng hệ thống giáo dục toàn diện, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nguyễn Văn Huyến cho biết: Thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cấp, thực hiện linh hoạt, bố trí sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; thực hiện có hiệu quả, thực chất việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.
Cùng với đó, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS, từng bước phổ cập mẫu giáo 4 tuổi; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng sau THCS và THPT; đổi mới công tác quản trị nhà trường, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính tự chủ. Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển giáo dục phổ thông theo hướng nâng cao trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh để sẵn sàng thích ứng, gia nhập quá trình toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Huyến khẳng định: Vĩnh Phúc đang tập trung nâng cao chất lượng dạy chữ, dạy người hướng đến chân - thiện - mỹ, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn và văn minh. Theo đó, tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cấp, ngành trong thực hiện chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục- đào tạo; chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh, xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh...