Tham dự chương trình tập huấn có Phó Giám đốc, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vương Tiến Minh; Chuyên gia của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Trần Đình Hải; đại diện Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học GreenViet Nguyễn Thị Thiên Hương; Đại diện Chi cục Kiểm Lâm Thừa Thiên Huế Đặng Văn Kiệm; Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã Lê Văn Tự. Ông Phạm Thành Trung - Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) cùng các thành viên.
Về phía Trường Đại học Luật, Đại học Huế có PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế; TS. Lê Thị Nga, Trưởng Khoa Luật hành chính; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường; các giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia và giảng viên Trường Đại học Luật Huế.
Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế, PGS.TS. Đoàn Đức Lương và đại diện tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) Phạm Thành Trung cho rằng, để ngăn chặn hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, không chỉ dừng ở việc nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật mà cần phải thúc đẩy hoạt động phòng ngừa, mà yếu tố quan trọng là sự lan tỏa nhận thức và hành vi tích cực pháp luật bảo vệ động vật hoang dã trong cộng đồng và xã hội.
Với sứ mạng của mình là lan tỏa nhận thức và văn hóa pháp lý tới xã hội, trong thời gian vừa qua, trường Đại học Luật, Đại học Huế và Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) đã làm việc rất tích cực, xây dựng mối quan hệ, hợp tác song phương, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật bảo vệ động vật hoang dã.
Chương trình tập huấn giảng viên "Pháp luật bảo vệ động vật hoang dã" là một trong những hoạt động trong chuỗi chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Luật, Đại học Huế và Tổ chức WCS hướng tới việc nâng cao phương pháp và kỹ năng giảng dạy cho người lớn để góp phần tạo ra những thành viên hạt nhân, thúc đẩy và lan tỏa hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) trong xã hội.
Bảo vệ (ĐVHD ngày nay mang tính toàn cầu, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, phương thức khác nhau: Tham gia các công ước quốc tế, xây dựng hành lang pháp lý, xử lý vi phạm, truyên truyền vận động,…Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ ĐVHD thông qua các quy phạm pháp luật, Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nói chung, bảo vệ ĐVHD nói riêng. Bên cạnh đó, đã xây dựng các chiến lược, kế hoạch và chương trình quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; xây dựng, duy trì các văn bản pháp luật, trong đó tập trung vào 2 nhóm quy định chính: quy định quản lý về bảo vệ và quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD. Trên cở sở công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia thời gian qua, rất nhiều các văn bản trực tiếp hoặc có liên quan về bảo vệ ĐVHD như Luật Đa dạng sinh học (có chương riêng với 18 điều quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật…) Luật Lâm nghiệp 2017 nghiêm cấm mọi hành vi săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái phép.
Chương trình tập huấn chú trọng đến các nội dung quan trọng: Các quy định pháp lý có liên quan đến ĐVHD; Nhận diện các vi phạm pháp luật liên quan đến ĐVHD; Các kiến thức cơ bản có liên quan đến loài ĐVHD, bao gồm kỹ năng nhận dạng loài; Các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực cho người lớn.
Chương trình Tập huấn nhằm chia sẻ các thông tin thiết thực, góp phần quan trọng vào quá trình tăng cường kiến thức về pháp luật bảo vệ ĐVHD và công tác phòng, chống buôn bán trái phép ĐVHD; thúc đẩy sự tham gia của các cá nhân, đơn vị trong công tác phòng, chống buôn bán trái phép ĐVHD và tăng cường quan hệ phối hợp giữa Tổ chức WCS và Trường Đại học Luật, Đại học Huế.