Khoá học được khai giảng từ ngày 15.8 và kéo dài trong 30 ngày với sự tham gia của các học viên đến từ các đơn vị đang quản lý, bảo trì đường cao tốc, nhà đầu tư BOT… Đây là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường bộ (Cục đường bộ Việt Nam) và Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả về đào tạo nhân lực cho công tác quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ cao tốc.
Ngoài các giờ học lý thuyết, các học viên sẽ được trải nghiệm thực tế về công tác quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo trì tại một số tuyến cao tốc như: Nội Bài - Lào Cai, Bắc Giang - Lạng Sơn nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý, bảo trì đường bộ trong tương lai.
Phát biểu tại lễ khai giảng, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho biết: Theo “Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1.9.2021), đến năm 2025 nước ta sẽ có khoảng 3.000km và đến năm 2030 sẽ có 5.000km đường bộ cao tốc và đến năm 2050 đạt 9.014 km/41 tuyến cao tốc. Điều này đặt ra nhiệm vụ nặng nề với Cục Đường bộ Việt Nam trong thời gian tới là sẽ thực hiện quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì một khối lượng lớn các tuyến cao tốc và hơn 25.000km quốc lộ. Trong đó, đối với đường cao tốc là “công trình giao thông cấp đặc biệt”, có yêu cầu về công tác quản lý, khai thác khác biệt so với những công trình đường bộ thông thường. Trong khi số lượng nhân, vật lực, đơn vị bảo trì đáp ứng tốt yêu cầu quản lý vận hành đường cao tốc trên cả nước còn hạn chế.
Cụ thể, để đáp ứng yêu cầu quản lý vận hành đường cao tốc thì trung bình cần khoảng 2 công nhân kỹ thuật/km đường. Do đó, đến năm 2025 cần khoảng 6.000 công nhân quản lý vận hành đường cao tốc, đến năm 2023 cần 10.000 công nhân. Hiện tại, Cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06 về nâng cao chất lượng bảo trì nhằm bảo đảm chất lượng, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng. Trong đó, đường cao tốc là công trình giao thông cấp đặc biệt, yêu cầu quản lý, khai thác khác biệt nên người tham gia vận hành cần có trình độ kỹ thuật, năng lực bài bản hơn.
“Việc khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc là một dấu mốc quan trọng, là tiền đề cho việc chủ động đào tạo phát triển nguồn nhân lực bảo trì chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý bảo trì”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Quang Vĩnh, trong thời gian qua Tập đoàn đã đầu tư, xây dựng hơn 22km hầm đường bộ trong tổng số 27km đường hầm xuyên núi trên cả nước, hơn 300km đường cao tốc, quốc lộ, 6 cầu lớn trên cả nước. Với vai trò là nhà đầu tư, Tập đoàn đảm nhiệm nhiệm vụ quản lý vận hành các công trình nói trên suốt vòng đời dự án, kéo dài hàng chục năm. Công việc quản lý vận hành, khai thác không chỉ là hoạt động chăm sóc cho công trình, mà còn là hoạt động nhằm phục vụ tốt nhất cho phương tiện lưu thông thông suốt, đem đến sự an toàn cho người tham gia giao thông.
“Ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được Tập đoàn quan tâm chú trọng phát triển hàng đầu. Đặc biệt, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 5.000 km đường cao tốc nên việc chuẩn bị nguồn nhân lực đón đầu trong quản lý, vận hành, khác thác là nhu cầu bức thiết”, ông Vinh cho biết.
Trước đó, ngày 23.4.2023, Trường cao đẳng Giao thông vận tải đường bộ và Tập đoàn Đèo Cả đã ký thỏa thuận hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tuyển dụng, thực tập, tài trợ cho các hoạt động cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giảng viên viên của nhà trường nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tổ chức chuỗi hoạt động, cụ thể hóa chiến lược đào tạo phát triển nhân sự.